07/03/2012 - 21:54

Tín hiệu tích cực xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran

Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran ngày 6-3 cho biết Iran đã đồng ý cho phép các chuyên gia hạt nhân của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tới thăm căn cứ quân sự Parchin, nơi mà họ tin là Tehran dùng để thử chất nổ phục vụ cho mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân.

Căn cứ Parchin chụp từ vệ tinh. Ảnh: EPA 

Một báo cáo do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố hồi năm ngoái cho biết Iran đã xây dựng một hầm lớn ở Parchin, Đông Nam Tehran, để tiến hành các vụ thử chất nổ có sức công phá lớn mà IAEA cho là “những dấu hiệu rõ ràng” về nỗ lực phát triển một quả bom hạt nhân. Phương Tây nghi ngờ các hoạt động ở Parchin có từ năm 2004 khi một chuyên gia hạt nhân hàng đầu nhận định hình ảnh vệ tinh cho thấy đó có thể là địa điểm nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Năm 2005, các thanh sát viên của IAEA cũng từng đến Parchin nhưng không nhìn thấy hầm thử thuốc nổ được xây dựng như họ đã nghĩ.

Mặc dù chấp nhận để các thanh sát viên quốc tế đến Parchin nhưng báo cáo của phái đoàn ngoại giao Iran tại Vienne (Áo) ngày 6-3 khẳng định: “Parchin là một căn cứ quân sự và việc tiếp cận căn cứ này phải có thời gian, do vậy chuyến thăm không thể được phép diễn ra thường xuyên... Chúng tôi sẽ cho phép IAEA tới đó một lần nữa”. Tháng trước, Iran từng từ chối đề nghị của IAEA về việc đến thăm căn cứ quân sự này.

Cùng ngày, hãng tin Anh Reuters cho biết các cường quốc gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh và Mỹ đã chấp nhận đề nghị của Iran về việc nối lại các cuộc đàm phán sau 1 năm gián đoạn. Bà Catherine Ashton, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), sẽ đại diện cho các nước liên hệ với Iran về kế hoạch đàm phán này. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của EU cho biết cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Tháng trước, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran kiêm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili đã gửi thư cho bà Ashton, trong đó nói rằng Iran sẵn sàng nối lại đối thoại, nhưng có thành công hay không còn tùy thuộc vào thái độ của các cường quốc đối với các sáng kiến của Iran, bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm vận dầu mỏ vốn sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Vòng đàm phán trước đó giữa Iran với các nước này diễn ra cách đây hơn 1 năm và đã kết thúc trong thất bại vì các cường quốc cố bám giữ lập trường đòi Iran phải chấm dứt việc làm giàu uranium trên lãnh thổ của mình.

Thỏa thuận trên đạt được sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trong trường hợp cần thiết, Mỹ sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích của mình, nhưng trước mắt kêu gọi đồng minh Israel hãy kiên trì chờ thêm một thời gian để các đòn trừng phạt kinh tế phát huy hiệu quả. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đồng tình với ý kiến này dù thẳng thừng tuyên bố Iran là một mối nguy đối với an ninh nước Anh. Ông tin rằng các biện pháp cấm vận của EU đang tác động mạnh đến nền kinh tế Iran.

Theo ông Cameron, bước tiếp theo trong chiến lược cấm vận kinh tế Iran là thúc giục Ấn Độ và Trung Quốc ngưng nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, điều đó khó có thể xảy ra bởi Ấn Độ từng tuyên bố sẽ không thực thi các biện pháp cấm vận do phương Tây, trong đó có Mỹ, đề xuất nhằm chống lại chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Hiện Iran là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai của Ấn Độ, sau Arabie Séoudite, đáp ứng khoảng 12% nhu cầu dầu thô của nước này. Mới đây, hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran còn cho biết sắp tới hai nước sẽ tăng cường quan hệ ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, văn hóa và đặc biệt là năng lượng. Phát biểu trong cuộc gặp tại Thủ đô Tehran với Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Farooq Abdullah, Bộ trưởng Năng lượng Iran Majid Namjou khẳng định các công ty tư nhân Ấn Độ có thể khởi động đầu tư vào ngành năng lượng tái sinh bằng cách thành lập các dự án thí điểm tại Iran. Hiện Iran có kế hoạch tạo ra 1.000 MW điện từ năng lượng tái tạo và hai bộ trưởng tuyên bố sẵn sàng hợp tác song phương trong lĩnh vực này.

THANH TRÚC (Theo Xinhua, Guardia, Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết