28/07/2020 - 11:45

Tin giả cản trở nỗ lực chống COVID-19 tại Mỹ Latinh 

Khu vực Mỹ Latinh vừa vật lộn với đại dịch COVID-19 vừa phải né tránh “sóng thần” tin giả trên mạng được gieo rắc nhằm đánh lừa dân chúng.

Một người dân Brazil xem điện thoại di động. Ảnh: Guardian

Trong nhiều tháng qua, linh mục Gustavo Andrade ra sức kêu gọi giáo dân tại thị trấn Venustiano Carranza thuộc miền Nam Mexico phải cảnh giác trước COVID-19, bệnh cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 160.000 người tại Mỹ Latinh.  “Thị trấn này tràn ngập những người nhiễm bệnh. Mỗi ngày có 2 hoặc 3 người tử vong” - ông Andrade cảnh báo. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không tin sự tồn tại của COVID-19, mà chỉ nghĩ rằng những cái chết này là do ngộ độc thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết. “Thủ phạm” khiến dân chúng nhầm lẫn như thế chính là tin giả.

Từ bang Chiapas (Mexico) cho tới Ceara (Brazil), các mạng xã hội tràn ngập những âm mưu kỳ lạ và phương pháp chữa bệnh lang băm, có thể gây chết người. Trong những tuần gần đây, xuất hiện thông tin nói “bên trong các quan tài ở Brazil chỉ toàn gạch đá” nhằm thổi phồng số người thiệt mạng do COVID-19 tại nước này. Ngoài ra, còn có tin cho rằng máy bay không người lái được sử dụng với mục đích “truyền bệnh cho cộng đồng thổ dân” tại Mexico, hoặc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ “tiếp tay phát tán SARS-CoV-2” ở Argentina. Thậm chí, có lời bịa đặt rằng Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus bị phát hiện nhảy múa trong một quán rượu ở Sao Paulo, Brazil. Bên cạnh đó, có nhiều thông tin thất thiệt đề cao những liệu pháp “thần kỳ” giúp chữa trị COVID-19, bao gồm nước biển Peru hoặc cây sả Venezuela.

Tại Bolivia, các chính trị gia được cho đang “ca ngợi” việc sử dụng chlorine dioxide, một chất tẩy mạnh, là phương pháp tiềm năng trong điều trị COVID-19. Do tâm lý do sợ COVID-19, nhiều người dân ở thành phố Cochabamba xếp hàng mua sản phẩm độc hại này. Yasodora Cordova, chuyên gia người Brazil nghiên cứu về tin giả trên mạng, kể lại rằng trong đợt dịch virus Zika, những video trên YouTube chứa đựng lời khuyên không có căn cứ rằng bệnh này có thể chữa khỏi bằng mật ong hoặc tỏi. Kịch bản đó giờ đây lại xảy ra với COVID-19. Theo Cordova, những video kiểu này có hàng ngàn lượt xem và người tạo ra nó có thể dễ dàng bỏ túi 1.050 bảng Anh/tháng. Tuy nhiên, có những đối tượng sử dụng “tin vịt” vì mục đích chính trị. Một số chính trị gia cực hữu ở Brazil được cho tham gia vào “cuộc đua dính líu” tới việc sử dụng tin tức kỳ quặc để duy trì sự chú ý của dân chúng. Hồi tháng 3, Facebook từng xóa một video đăng trên trang cá nhân của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vì chứa thông tin sai lệch về COVID-19.

Bất kể động cơ là gì, phát tán tin giả ở thời điểm dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay đều để lại những hậu quả. Ở Peru chẳng hạn, do tin vào tin giả “trạm công nghệ không dây thế hệ thứ 5 (5G) phát tán COVID-19” mà dân làng Huancavelica đã giam giữ 8 kỹ sư viễn thông. Cũng tại Peru, việc tiêu thụ gừng đã tăng mạnh trong khi xuất khẩu tăng gần gấp 3 lần do người dân tin rằng loại củ này có thể điều trị COVID-19. Trong khi đó, những ngày gần đây Bolivia ghi nhận ít nhất 10 ca ngộ độc chất tẩy chlorine dioxide. Bạo lực đã xảy ra tại Chiapas bởi tin đồn trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp cho rằng các nhân viên y tế cố tình phun SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vào cộng đồng thổ dân.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết