22/07/2021 - 23:47

Tin giả cản trở nỗ lực chống COVID-19 ở Mỹ 

Tại Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 mới có dấu hiệu tăng nhanh trong khi thông tin sai lệch về vaccine tiếp tục lan tràn khiến chiến dịch tiêm ngừa bị chững lại.

Hồi tháng 1, Mỹ đạt đỉnh dịch với trung bình 260.000 ca mắc/ngày. Trong những tháng sau đó, số ca mới giảm liên tục khi hàng chục triệu người được tiêm vaccine COVID-19. Tính đến đầu tháng 7, Mỹ có từ 13.700 ca/ngày đổ lại. Nhưng trong hai tuần trở lại đây, dữ liệu của Ðại học Johns Hopkins cho biết số ca mắc trung bình mỗi ngày đã tăng gần gấp 3 với hơn 37.000 ca/ngày.

Trẻ em có thể “trả giá” trong đại dịch nếu người lớn không tiêm vaccine.

Bên cạnh tốc độ lây lan nhanh của biến thể Delta, các quan chức y tế nước này cho biết tình trạng lây nhiễm tăng cao hiện nay liên quan chủ yếu đến những đối tượng chưa được tiêm chủng. Trong đó, chuyên gia về y học lâm sàng James Williams chỉ ra thực tế ngày càng có nhiều người trẻ trong độ tuổi 20-40 dương tính với COVID-19 và hầu như các ca mắc mới cũng như tử vong đều nằm trong số không tiêm vaccine. Riêng với trẻ em, số ca mắc COVID-19 tuần rồi đã tăng gấp đôi kể từ tháng 6, lên hơn 23.000 ca. Theo Tiến sĩ Peter Hotez của Ðại học Y Baylor, trẻ nhỏ đến nay được nhìn nhận không thuộc nhóm dễ bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao nếu lây SARS-CoV-2 và tỷ lệ mắc cao vừa qua được cho liên quan tới việc có quá nhiều người lớn xung quanh không tiêm phòng.

Hãng tin BBC cho biết tỷ lệ tiêm vaccine tính trên tổng dân số ở Mỹ hiện đứng sau quốc gia láng giềng Canada cũng như Anh, Ý và Ðức. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, chỉ có 58% người dân trưởng thành trong nước đã được tiêm chủng đầy đủ. Cơ quan này ước tính khoảng 28% dân số, tương đương 91 triệu người Mỹ đang thuộc diện nguy cơ lây nhiễm cao.

Tin giả và thuyết âm mưu

Việc một bộ phận người dân không chủng ngừa khiến các quan chức y tế lo ngại, thậm chí cảm thấy mệt mỏi và tức giận khi rõ ràng việc tiêm phòng có thể ngăn chặn rủi ro bùng dịch trở lại nhưng nhiều người lại phớt lờ. Trong khi các thanh niên khỏe mạnh ở Mỹ không gấp tiêm ngừa thì có một số người quyết định tương tự vì lý do chính trị, số khác lo ngại độ an toàn hoặc bài vaccine dựa trên thuyết âm mưu cùng những thông tin sai lệch.

Trong đó, Facebook một lần nữa bị chỉ trích khi ngày càng có nhiều tin giả phát tán trên mạng xã hội này. Phổ biến nhất là những bài viết cho rằng vaccine COVID-19 không an toàn, không hiệu quả nên không cần thiết phải tiêm, bất chấp bằng chứng khoa học cho thấy chủng ngừa là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng chống dịch. Nhiều tài khoản còn lan truyền rộng rãi thuyết âm mưu vô căn cứ, cho rằng tiêm vaccine là vỏ bọc của việc cấy vi mạch và theo dõi người dân.

Facebook nhiều lần khẳng định họ đã hành động và loại bỏ hàng chục triệu mẩu tin tức giả về COVID-19, nhưng các chuyên gia nghiên cứu thông tin sai lệch trực tuyến cho biết quy mô vấn đề vẫn còn rất lớn khi các tài khoản “siêu lây lan” thông tin gây hiểu lầm về vaccine vẫn đang tiếp cận hàng triệu người dùng. Tuần rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc những gã khổng lồ công nghệ như Facebook đang “giết người” vì không giải quyết được vấn đề. Trước đó, thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết chính quyền Biden đã can thiệp bằng cách thường xuyên liên lạc với Facebook và thông báo những bài đăng có vấn đề. Nhưng một số thượng nghị sĩ Dân chủ cho rằng phải có hành động mạnh hơn nữa để kiểm soát tình trạng gây nhiễu thông tin vaccine.

Trong bối cảnh ca nhiễm mới gia tăng, các chuyên gia y tế cho biết đã đến lúc Mỹ cần áp dụng lại quy định về đeo khẩu trang trong cộng đồng, kể cả người đã tiêm vaccine. Ngoài ra, quan chức một số bang còn kêu gọi sự hỗ trợ từ giới chức sắc tôn giáo vận động tín đồ trong địa hạt đi tiêm ngừa.

Tính đến ngày 22-7, thế giới có tổng cộng gần 193 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 4,1 triệu trường hợp đã tử vong. Riêng Mỹ có hơn 35 triệu người bệnh với 625.000 người không qua khỏi.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết