06/05/2020 - 08:14

Tìm mọi cách để phát triển vaccine COVID-19 

Kể từ đầu năm nay, nhiều hãng dược và viện khoa học trên thế giới đã bắt tay nghiên cứu để tìm ra vaccine phòng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19. Có nhiều cách tiếp cận, nhưng trọng tâm nghiên cứu là 3 loại vaccine: vaccine sống, bất hoạt và DNA hoặc mRNA.

Nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Bern, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Tính đến nay, Hiệp hội các công ty dược phẩm Đức (VFA) đã xác định 115 dự án bào chế vaccine khác nhau, trong khi số lượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 102 loại tiềm năng.

Vaccine sống chứa các virus sống đã được làm yếu đi trong phòng thí nghiệm để chúng không còn khả năng gây bệnh. Tuy vô hại, nhưng virus sống vẫn có thể nhân lên bên trong các tế bào của cơ thể con người, sau đó kích hoạt phản ứng miễn dịch. Ví dụ, các nhà phát triển vaccine sử dụng công nghệ gien để ngụy trang những virus này thành SARS-CoV-2 bằng cách cung cấp cho chúng một loại prôtêin bề mặt tương ứng. Đây là cách tiếp cận khá hay khi muốn đẩy lùi những loại mầm bệnh mới. 

Trong khi đó, vaccine bất hoạt chứa những virus bất hoạt. Các nhà khoa học điều chế vaccine bất hoạt bằng cách giết chết các vi sinh vật gây bệnh bằng hóa chất, nhiệt hoặc tia xạ. Tuy những virus này không còn khả năng nhân lên, nhưng cơ thể con người vẫn có thể nhận diện chúng là những kẻ xâm nhập, vì vậy hệ miễn dịch của cơ thể phải đảm bảo việc sản sinh các kháng thể. Do đó, người được tiêm vaccine bất hoạt sẽ không nhiễm bệnh. Phương pháp này hiện được áp dụng trong các vaccine phòng một số bệnh như cúm, bại liệt trẻ em, ho gà, viêm gan B và uốn ván.

So với vaccine bất hoạt, lợi thế của vaccine dựa trên gien là ngành dược phẩm có thể sản xuất rất nhanh. Họ sẽ phải làm được điều này bởi vì khi một vaccine COVID-19 được điều chế thành công, thì cần sản xuất hàng tỉ liều để cung cấp cho nhiều người trên khắp thế giới trong quãng thời gian ngắn nhất có thể.

Các vaccine dựa trên gien chứa thông tin di truyền thuần túy ở dạng DNA virus Corona hoặc mRNA. Những thành phần đơn lẻ của thông tin di truyền từ mầm bệnh được “đóng gói” thành các hạt nano và cấy vào tế bào. Khi vaccine được tiêm vào cơ thể, nó sẽ hình thành các prôtêin virus vô hại, qua đó tạo nên lá chắn miễn dịch. 

Tại hội nghị tài trợ quốc tế trực tuyến diễn ra ở Brussels (Bỉ) hôm 4-5, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết ủng hộ hơn 8 tỉ USD để phát triển vaccine, thuốc và phương pháp xét nghiệm. Hội nghị gây quỹ này được tổ chức theo sáng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

►“Bước đột phá quan trọng” của Israel

Cũng trong nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19, Israel hôm 4-5 tuyên bố họ đã phân lập thành công kháng thể của SARS-CoV-2, điều được ca ngợi là “bước đột phá quan trọng” có thể giúp chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.

Trong thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett cho rằng “kháng thể vô hiệu hóa đơn dòng” được phát triển tại Viện Nghiên cứu Sinh học Israel (IIBR) có khả năng vô hiệu hóa SARS-CoV-2 trong cơ thể người bệnh. Kháng thể được phân lập tại IIBR là đơn dòng, tức là nó được tách ra từ một tế bào khỏi bệnh duy nhất.

IIBR đang nghiên cứu phát triển phương pháp điều trị cũng như vaccine phòng COVID-19, bao gồm xét nghiệm máu của những người được chữa khỏi bệnh. Kháng thể có trong các mẫu huyết tương của người khỏi bệnh hiện được xem là yếu tố chủ chốt trong công cuộc tìm kiếm phương pháp chữa trị.           

Trong tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19 với sự tham dự của 39 nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc Phong trào Không liên kết (NAM) ngày 4-5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu rõ: “Chúng ta cần đấu tranh cho quyền tiếp cận chính đáng và kịp thời đối với thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh COVID-19 với giá cả phải chăng. Các chủ nợ chính thức (của các quốc gia đang phát triển) cũng cần giãn nợ và giảm nợ để tập trung nguồn tài chính ứng phó dịch COVID-19”.                        

HẠNH NGUYÊN (Theo DW, Reuters)

Chia sẻ bài viết