12/05/2018 - 17:35

Tìm kiếm sự tin cậy

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngày 12-5 đã bắt đầu chuyến công du tới Bắc Kinh, Mát-xcơ-va và Brussels trong nỗ lực cứu vớt thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và tình hình căng thẳng chưa từng có giữa Iran và Israel.

Đồng thời, bước đi ngoại giao của ông Zarif diễn ra khi giới chính trị cứng rắn ở Iran muốn chính phủ dứt khoát hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 và phải có hành động đáp trả tương xứng chống Israel sau vụ nước này tấn công hàng chục mục tiêu Iran tại Syria.

Theo hãng tin AFP, việc Tehran kiềm chế, chưa nhanh chóng đáp trả Tel Aviv cho thấy chính quyền ôn hòa Iran hiện nay không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn với Israel giữa lúc họ đang tìm kiếm sự tin cậy của phương Tây trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân.

Ngoài Nga và Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức đều phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt trừng phạt lên Iran. Tuy nhiên, các nước và giới doanh nghiệp châu Âu cho thấy họ không sẵn sàng đương đầu với sức ép cấm vận kinh tế từ Washington.

Vì vậy, châu Âu muốn thúc giục Iran chấp nhận tái đàm phán hạt nhân theo hướng bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo và chính sách can thiệp khu vực, điều mà Tehran rất khó nhượng bộ.

Khó khăn của Iran càng chồng chất thêm khi trưởng đoàn thanh sát viên Tero Varjoranta của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa bất ngờ thông báo từ chức mà không nêu rõ lý do. Hành động này được cho dưới sức ép từ Mỹ trong lúc chính quyền Trump muốn IAEA tiếp tục thanh sát chương trình hạt nhân của Iran, dù Washington đã rút khỏi thỏa thuận. Lâu nay, ông Varjoranta luôn đánh giá Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Trong khi đó, có dư luận phương Tây cho rằng việc Israel tấn công hàng loạt mục tiêu Iran ở Syria ngoài nhận được hậu thuẫn của Mỹ còn có sự ủng hộ chiến thuật từ Nga, đồng minh của Iran, khi mà vai trò và ảnh hưởng quân sự của Iran tại Syria ngày càng lớn.

Dù sao, Nga với tư cách là nước có quan hệ gần gũi với cả Iran và Israel vẫn đang muốn khẳng định mình là nhà trung gian ngăn chặn leo thang căng thẳng chưa từng có giữa Tehran và Tel Aviv.

Cuộc tìm kiếm sự tin cậy từ bên ngoài trong vấn đề hạt nhân và xung đột với Israel của Ngoại trưởng Zarif xem ra không dễ dàng gì.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết