|
Quang cảnh vận động tranh cử của ông Romney. Ảnh: AP |
Dù nền kinh tế đất nước chưa phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, nợ nần của các cá nhân, gia đình và quốc gia đầm đìa, hai ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn đua nhau quyên góp tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử được dự báo tốn kém nhất trong lịch sử.
Kỷ lục quyên góp tiền tài trợ
Ủy ban tài chính quốc gia của đảng Cộng hòa (RNC) cho biết, hai buổi vận động quyên góp của họ diễn ra tại bang Michgan ngày 20-6 đã đạt 6-8 triệu USD và đây là ngày gây quỹ tranh cử thành công nhất dành cho ứng viên Mitt Romney. John Rakolta Jr, đồng chủ tịch RNC, tuyên bố trước các ủng hộ viên: “Hôm nay chúng ta đã lập kỷ lục mới trong việc quyên góp. Nhưng chúng ta hy vọng kỷ lục này sẽ bị phá vỡ vào cuối mùa Hè sắp đến và tôi sẽ trở lại gặp các bạn một lần nữa vào mùa Thu sang”.
Những người ủng hộ mua vé trị giá 2.500 USD và nhận được tiệc chiêu đãi chính, nếu muốn được chụp một tấm hình lưu niệm với thần tượng phải trả 10.000 USD, còn thích được dự buổi cơm tối phải đóng góp 50.000 USD.
Hồi tháng 5 vừa qua, Quỹ chiến thắng của ông Romney và RNC đã huy động được tổng cộng 76,8 triệu USD, nhưng chỉ còn lại trong tay khoảng 17 triệu USD. Trong tháng 6 này, các ban vận động tranh cử của ông Romney và đảng Cộng hòa dự báo có thể kiếm thêm 100 triệu USD nữa. Không ít người tin rằng các nhóm vận động tranh cử của đảng Cộng hòa có thể chi tới 1,225 tỉ USD cho chiến dịch quảng cáo trong năm nay.
Trong khi đó, đương kim Tổng thống Barack Obama và Ủy ban tài chính quốc gia của đảng Dân chủ (DNC) đã quyên góp được khoảng 60 triệu USD trong tháng 5, riêng quỹ tranh cử của Obama đã vận động được tổng cộng gần 110 triệu USD, nhưng đồng thời chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Trong tháng 6, ông Obama và DNC tin rằng sẽ tìm thêm ít nhất 100 triệu USD. Quỹ tranh cử của ông Obama được dự báo sẽ ít hơn so với mức chi tiêu cần thiết. Đây có thể là lần đầu tiên quỹ tranh cử của tổng thống đương nhiệm phải bị âm. Năm 2008, ông Obama đã lập mọi kỷ lục khi nhận được hơn 750 triệu USD cho quỹ tranh cử.
Kinh tế yếu kém, nợ nần đầm đìa
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây của hãng tin Anh Reuters và IPSOS cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Obama chỉ còn 47%, mức thấp nhất kể từ tháng 1-2012, do những lo ngại sâu sắc về kinh tế và khả năng lãnh đạo của ông chủ Nhà Trắng. Lòng tin của cử tri dành cho đương kim tổng thống càng thấp thì có nghĩa họ chỉ còn cách quay sang bỏ phiếu cho ứng viên đối lập. Mức tăng trưởng kinh tế quá thấp và mỏng manh, tỷ lệ thất nghiệp không giảm bớt bao nhiêu, thâm hụt ngân sách vẫn lớn và nợ công ngày càng cao là những nguyên nhân chính khiến uy tín của ông Obama bị giảm sút.
Ngày 20-6, Fed đã thông báo kế hoạch bơm thêm 267 tỉ USD nhằm “gia cố” sự phục hồi mong manh của nền kinh tế Mỹ và nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm nay được dự báo sẽ không được cải thiện. Đây là kế hoạch tiếp nối “Chiến dịch vòng xoắn” tập trung vào việc hạ lãi suất cho khoản vay dài hạn và khuyến khích cho vay. |
Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 5-2012, tổng mức nợ của Mỹ là 15.770 tỉ USD, chiếm 102% GDP, trong đó nợ công là hơn 11.000 tỉ USD và nợ trong nội bộ chính phủ là 4.760 tỉ USD. Do hậu quả của cuộc Đại khủng hoảng, từ năm 2008 đến nay, khoản nợ của Mỹ tăng chóng mặt, năm 2008 tăng 1.000 tỉ USD, năm 2009 tăng lên 1.900 tỉ USD, năm 2010 tăng thêm 1.700 tỉ USD và năm 2011 tăng 1.200 tỉ USD. Trong vài năm qua, quốc hội Mỹ đã phải nhiều lần thông qua đạo luật tăng mức trần nợ, hiện nay được phép lên tới 16.394 tỉ USD. Trên thực tế, theo tính toán của tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới Deloitte Touche Tohmatsu Limited có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), nếu cộng cả các khoản lãi suất phải trả cho số tiền nợ, tổng khoản nợ thực tế của chính phủ liên bang Mỹ hiện đã ở mức xấp xỉ 16.000 tỉ USD và điều này có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Văn phòng ngân khố quốc hội Mỹ mới đây cũng đã cảnh báo rằng nợ công của nước này có thể phình to tới mức gần gấp đôi so với quy mô nền kinh tế trước năm 2037.
Không chỉ nợ công tăng cao, nợ của các công ty, hộ gia đình, cá nhân và sinh viên cũng tăng chóng mặt. Chẳng hạn, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tổng nợ của sinh viên trong vòng một thập niên qua tăng tới gấp 3 lần, từ 241 tỉ USD năm 2003 lên 904 tỉ USD tính đến quý I-2012. Khoản nợ của sinh viên giờ đây đứng hàng thứ hai trong danh mục các khoản nợ tại Mỹ, chỉ sau khoản vay thế chấp và đây là một “quả bom nổ chậm” đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)