Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) hôm 17-7 đã cố xoa dịu cơn bão chính trị trong nước khi nói rằng, mình đã “nói nhầm” trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau hội nghị thượng đỉnh tại Helsinki (Phần Lan), khiến các nghị sĩ lưỡng đảng tức giận.
Trước đó một ngày, ông Trump đã khiến thế giới bất ngờ khi không chỉ trích nhà lãnh đạo Nga về hành động can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 của Mát-xcơ-va, mà lại tỏ ra nghi ngờ cộng đồng tình báo Mỹ. Tại đây, ông tuyên bố “Nga không có lý do gì để can thiệp bầu cử”.
Tuy có một cuộc phỏng vấn trên truyền hình và nhiều thông tin đăng lên Twitter, nhưng mãi đến 27 giờ sau đó, Tổng thống Trump mới lên tiếng sửa chữa sai lầm. Ông nói rằng khi nhìn lại hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki, ông “nhận thấy có một số từ cần làm rõ”. Theo ông, câu nói đó lẽ ra là: “Tôi không tìm thấy lý do Nga không can thiệp bầu cử”, ông nói với các phóng viên có mặt tại Nhà Trắng, kèm lời giải thích đó là “kiểu phủ định của phủ định”.
Và Tổng thống Trump cũng không quên lên tiếng ủng hộ cơ quan tình báo Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ hành động để ngăn những cuộc tấn công khác. “Tôi chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo rằng Nga đã can thiệp cuộc bầu cử năm 2016” – ông Trump nói, rồi lại bổ sung: “Đó cũng có thể là những người khác. Rất nhiều người ngoài kia”. Kiểu sửa chữa sai lầm này chẳng những không dập tắt tranh cãi mà còn bị các nghị sĩ chỉ trích là lấp liếm. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng phát biểu của ông Trump là biểu hiện của sự yếu đuối, đặc biệt là câu “có thể là những người khác” khi đề cập người chịu trách nhiệm trong vụ can thiệp bầu cử. Giới chức cho rằng có lẽ ông Trump nói vậy vì lo sợ cộng đồng tình báo bất mãn mà từ chức - có thể là Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats hoặc những người khác.
Trong một tuyên bố khác cũng thể hiện quan điểm “tiền hậu bất nhất”, Tổng thống Trump ngày 17-7 cho biết không cần gấp gáp giải trừ hạt nhân Triều Tiên theo thỏa thuận mà ông đạt được với nhà lãnh đạo Kim Jong-un – trái ngược với điều mà chủ nhân Nhà Trắng từng khẳng định trước đó là quá trình này sẽ khởi động sớm. “Các cuộc thảo luận đang diễn ra và tiến triển rất tốt. Chúng tôi không có giới hạn thời gian. Chúng tôi không có giới hạn tốc độ” – ông Trump nói với các phóng viên.
Tổng thống Mỹ đã gặp ông Kim ở Singapore hôm 12-6. Tuy nhiên, thỏa thuận không đề ra thời gian biểu cụ thể hoặc các cách thức thực hiện. Trước cuộc họp thượng đỉnh, chính quyền ông Trump cho biết quá trình giải trừ hạt nhân nên bắt đầu ngay mà “không trì hoãn”, và sau hội nghị cũng khẳng định nó đang khởi đầu “rất nhanh”. Nếu như Ngoại trưởng Mike Pompeo ước tính phần lớn việc giải trừ hạt nhân của Triều Tiên sẽ được hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump vào năm 2020, thì Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton lại cho rằng quá trình này chỉ mất một năm.
THANH TRÚC (Theo Reuters, CNN, AFP)