HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)
Người giàu nhất thế giới Elon Musk vừa hoàn tất thương vụ thâu tóm mạng xã hội Twitter trị giá 44 tỉ USD, kết thúc 6 tháng gây tranh cãi pháp lý và ồn ào xung quanh thỏa thuận này.
Ông Musk mang chiếc bồn rửa mặt vào trụ sở chính của Twitter hôm 27-10. Ảnh: BBC
Tối 27-10, truyền thông Mỹ loan tin tỉ phú Musk, Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla và tập đoàn công nghệ SpaceX, đã tiếp quản Twitter, vài giờ trước hạn chót chốt thỏa thuận mua lại mạng xã hội này. Tuy nhiên, ông Musk đã lập tức sa thải hàng loạt lãnh đạo cấp cao của Twitter bao gồm CEO Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal, Giám đốc pháp lý Sean Edgett và trưởng bộ phận pháp lý Vijaya Gadde. Ông Musk trong giai đoạn đặt vấn đề mua lại Twitter từng nói ông “không có niềm tin” vào dàn lãnh đạo hiện tại của mạng xã hội có biểu tượng chú chim.
Thương vụ sóng gió
Ông Agrawal đã làm việc tại Twitter gần một thập niên qua và đảm nhận vai trò CEO từ tháng 11-2021, khi người đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey bất ngờ từ chức. Tuy nhiên, ghế CEO của Agrawal nhanh chóng bị thách thức bởi sự xuất hiện của tỉ phú Musk với tư cách cổ đông lớn và ngày càng khó chịu với dàn lãnh đạo. Ông Musk đã mua 73,5 triệu cổ phiếu, tương đương 9,2% cổ phần của Twitter với tổng giá trị 2,9 tỉ USD. Agrawal ban đầu đánh giá cao việc bổ nhiệm ông Musk vào hội đồng quản trị, nhưng sau đó hai người tranh cãi gay gắt trong giai đoạn đầu của quá trình thương thảo vụ mua lại.
Hồi tháng 4, Twitter đã chấp nhận đề xuất của ông Musk về việc mua lại mạng xã hội với giá 54,2 USD/cổ phiếu. Thế nhưng chỉ 3 tháng sau, vị tỉ phú Mỹ bất ngờ tuyên bố chấm dứt thỏa thuận mua lại, với cáo buộc Twitter gian lận về số lượng tài khoản giả mạo và tin nhắn rác trên nền tảng, đồng thời từ chối trao cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này. Động thái “bẻ kèo” khiến giá cổ phiếu của Twitter lao dốc, gây ảnh hưởng cho nhiều nhà đầu tư.
Phía Twitter lập tức nộp đơn kiện Elon Musk với lý do phá vỡ hợp đồng. Đến đầu tháng 10, ông Musk đổi ý, quyết định quay lại thương vụ mua Twitter với mức giá đề xuất ban đầu, nhiều khả năng là bởi doanh nhân này muốn tránh cuộc chiến pháp lý tại tòa án ở Mỹ. Nếu không hoàn tất thỏa thuận mua lại Twitter trị giá 44 tỉ USD trước hạn chót 28-10, ông Musk sẽ bị công ty mạng xã hội lôi ra tòa với cáo buộc làm ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư vì không rõ ràng trong quyết định thâu tóm. Nhiều tháng kiện tụng và hành vi thất thường không chỉ gây tổn hại thương hiệu Twitter mà còn làm suy giảm danh tiếng của chính nhân vật sở khối tài sản ròng trị giá 222 tỉ USD này.
“Giúp đỡ nhân loại”
Thỏa thuận tiếp quản Twitter sẽ trao cho ông Musk một trong những nền tảng truyền thông có ảnh hưởng nhất. Mạng xã hội này cũng sẽ trở thành công ty tư nhân do ông đứng đầu, thay vì công ty đại chúng như hiện nay. Ông Musk dự kiến sẽ là CEO tạm thời của Twitter, nhưng về sau sẽ nhường lại vai trò này.
“Tôi mua lại Twitter bởi vì điều quan trọng đối với tương lai của nền văn minh nhân loại, nơi mọi người có thể tranh luận về nhiều loại tín ngưỡng một cách lành mạnh mà không cần dùng đến bạo lực”, ông Musk viết trên Twitter ngày 27-10, giải thích lý do mua lại công ty mạng xã hội này. Tỉ phú 51 tuổi cũng trấn an các nhà quảng cáo rằng Twitter sẽ không phát triển thành “một địa ngục miễn phí cho tất cả, nơi có thể nói bất cứ điều gì mà không để lại hậu quả”.
Trước đó, ông Musk đến thăm trụ sở chính của Twitter ở San Francisco (Mỹ) và đăng đoạn video quay cảnh ông mang một chiếc bồn rửa mặt vào tòa nhà. Ông cũng đã đổi thông tin trên trang Twitter của mình thành “Sếp Twit”, ám chỉ cuộc thâu tóm mạng xã hội. Được biết, vị tỉ phú mang 3 quốc tịch này mua lại Twitter bằng tiền của ông, các quỹ đầu tư và vay mượn.
Dù bị sa thải, CEO Agrawal và các lãnh đạo khác sẽ không ra đi tay trắng. Theo Kênh CNBCTV18, ông Agrawal sẽ được bồi thường 42 triệu USD. Segal sẽ nhận được 25,4 triệu USD, trong khi bà Gadde bỏ túi 12,5 triệu USD. Những bước đi đầu tiên sau khi lên nắm quyền tại Twitter cho thấy Elon Musk sẽ cải tổ bộ máy quản lý và các hoạt động của mạng xã hội. Tờ Washington Post tiết lộ ông Musk dự kiến sa thải gần 75% trong số 7.500 nhân viên của Twitter, tương đương 5.600 người.