14/12/2018 - 21:46

Thượng viện Mỹ thách thức ông Trump 

Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump muốn giữ quan hệ chặt chẽ với đồng minh Saudi Arabia, Thượng viện Mỹ hôm 13-12 đã bỏ phiếu phê chuẩn nghị quyết yêu cầu chấm dứt viện trợ chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân do Riyadh dẫn đầu trong cuộc chiến tại Yemen và quy trách nhiệm Thái tử Mohammed bin Salman trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Biểu tình trước Đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington liên quan vụ Khashoggi. Ảnh: Getty Images

Nghị quyết về Yemen được thông qua với tỷ lệ 56 phiếu thuận và 41 phiếu chống. Đây là lần đầu tiên trong 45 năm, một trong hai viện lập pháp Mỹ dùng đến Đạo luật Các quyền Chiến tranh 1973 để rút Washington khỏi hoạt động quân sự ở nước ngoài. Luật này quy định Quốc hội, cơ quan duy nhất có quyền chính thức tuyên bố chiến tranh, có thể hạn chế quyền lực của Tổng thống đưa Mỹ vào một cuộc xung đột vũ trang. Văn kiện muốn có hiệu lực cần được Hạ viện thông qua, nhưng cơ quan lập pháp hiện do phe Cộng hòa chi phối đầu tuần này đã bác bỏ dự luật nói trên. Đảng Dân chủ ủng hộ chấm dứt chiến tranh ở Yemen tuyên bố sẽ tiếp tục đệ trình nghị quyết khi họ kiểm soát Hạ viện kể từ tháng 1-2019, nhưng quá trình này sẽ phải bắt đầu lại. Nghị quyết sau đó cần được Tổng thống Trump ký hoặc phải đạt đủ số phiếu ở lưỡng viện để không bị phủ quyết.

Ngay sau nghị quyết về Yemen được phê chuẩn, các thượng nghị sĩ tiếp tục nhất trí thông qua văn kiện quy trách nhiệm của Thái tử Mohammed trong vụ Khashoggi. Nghị quyết khẳng định quốc gia Trung Đông với những “tuyên bố sai lệch và chính sách đối ngoại thất thường” trong vụ việc nói trên đã làm suy yếu mối quan hệ vốn quan trọng đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.

Theo giới quan sát, động thái hiếm có tại Thượng viện Mỹ tuy mang tính biểu tượng nhưng phản ánh sự bất mãn đang lan rộng trong Quốc hội nước này trước chính sách đối ngoại của chính quyền Trump với đồng minh Trung Đông sau vụ Khashoggi. Với hai nghị quyết được thông qua trong một ngày, đây là thông điệp rõ ràng cho thấy đa số giới lập pháp Mỹ không tiếp tục chấp nhận thực trạng trong mối quan hệ với Riyadh hiện nay.

Trong diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc cùng ngày cho biết sẽ lập hóa đơn yêu cầu Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) trả 331 triệu USD phí tiếp nhiên liệu trong cuộc chiến Yemen. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đang xem xét sổ sách và phát hiện sai sót kế toán; từ lỗ hổng này mà Washington trước giờ không thu tiền nhiên liệu và dịch vụ liên quan các cuộc không kích của hai đồng minh ở Yemen.

Mỹ, Hàn không đạt được thỏa thuận về chia sẻ kinh phí cho USFK

Trong diễn biến khác, ngày 14-12, một quan chức Hàn Quốc cho biết trong cuộc thương lượng chính thức gần đây nhất, nước này và Mỹ đã không đạt được thỏa thuận về mức kinh phí mà Seoul sẽ gánh chịu cho việc duy trì Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK).

Theo quan chức này, trong trường hợp Mỹ và Hàn Quốc không thể đạt được thỏa  thuận trong hai tuần tới, nhiều khả năng USFK sẽ gặp vấn đề trong việc thanh toán tiền lương cho 8.000 nhân viên người Hàn Quốc làm việc tại căn cứ quân đội Mỹ. Tiền lương của những người này chiếm khoảng 25% kinh phí mà Seoul đóng góp cho USFK. 

Trong 3 ngày qua, các quan chức ngoại giao của hai nước đồng minh này đã tiến hành vòng đàm phán thứ 10 tại thủ đô Seoul nhằm nhất trí về Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA). Hiện Seoul đang gánh vác một phần chi phí đồn trú của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, như chi phí cho nhân sự người Hàn Quốc làm việc tại căn cứ quân đội Mỹ, chi phí xây dựng, chi phí hỗ trợ hậu cần. Năm 2017, khoản kinh phí Hàn Quốc chia sẻ với Mỹ vào khoảng 960,2 tỉ won (tương đương 851,4 triệu USD). Chính phủ Mỹ đã kêu gọi Hàn Quốc tăng mạnh khoản đóng góp cho USFK, song chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in chưa chấp thuận đề nghị, đồng thời bày tỏ hy vọng tăng tính minh bạch trong chi tiêu ngân sách của Washington liên quan lực lượng này.

MAI QUYÊN (Theo Defense News)

Chia sẻ bài viết