15/01/2019 - 12:31

Thủ tướng Anh cảnh báo kịch bản “Không Brexit” 

Trong thông điệp gởi đến các nghị sĩ, Thủ tướng Anh Theresa May (ảnh) cảnh báo thất bại trong tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu hay còn gọi Brexit không chỉ là “thảm họa” đối với kinh tế quốc gia mà còn phá hủy niềm tin chính trị trong nhiều thập kỷ.

Ảnh: Getty Images

 

Tuyên bố được đưa ra trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội ngày 15-1 để quyết định liệu có thể tiến hành hay không thỏa thuận Brexit sơ bộ đạt được giữa chính phủ của Thủ tướng May và Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 11-2018. Các điều khoản này hiện không được lòng các nghị sĩ ủng hộ lẫn phản đối Brexit. Tháng rồi, bà May buộc phải hoãn bỏ phiếu do lo ngại văn kiện trên không được thông qua. CNN cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay vẫn là các nhà lập pháp ủng hộ “Brexit cứng” trong chính đảng Bảo thủ của bà May. Nhiều người ước tính Thủ tướng có thể chịu thất bại rất lớn với khoảng cách 150-200 phiếu bầu. Công đảng đối lập cảnh báo sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu bà May thua cuộc.

Trong nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ, Thủ tướng May hôm 13-1 nhấn mạnh thỏa thuận Brexit là con đường duy nhất và bỏ phiếu bất thành tại Quốc hội có khả năng dẫn tới “Không Brexit” hơn là “Brexit không thỏa thuận”. Theo bà May, Quốc hội có nghĩa vụ thực hiện kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 ủng hộ việc rời EU và các nghị sĩ phải xem xét hậu quả hành động của họ đối với niềm tin của người dân trong nền dân chủ quốc gia. “Thông điệp của tôi gửi tới Quốc hội rất đơn giản: đã đến lúc quên các trò chơi chính trị và làm những gì đúng đắn cho đất nước”- Thủ tướng May tuyên bố. Nếu cuộc bỏ phiếu thất bại, Thủ tướng May có 3 ngày để đưa ra “Kế hoạch B”. Trong đó, bà May có thể tới Brussels để cố gắng tranh thủ nhượng bộ từ EU và Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu lần nữa vào ngày 21-1.

Anh dự kiến sẽ rời EU vào ngày 29-3 trừ khi các nghị sĩ bỏ phiếu trì hoãn hoặc hủy bỏ Brexit, đồng nghĩa đi ngược lại kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Kết quả cuộc thăm dò ý kiến trên 1.093 người cho thấy 44% cử tri Anh ủng hộ Brexit mà không có thỏa thuận nào so với 29% tán thành đề xuất của bà May. Tỷ lệ phản đối so với ủng hộ việc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần hai là 48%-42%. Theo BBC, hiện có một nhóm nghị sĩ bao gồm các cựu bộ trưởng đảng Bảo thủ đang nhắm tới kịch bản “Brexit không thỏa thuận” nếu bà May thất bại. 

Trong diễn biến khác, đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy hôm 13-1 đã nhất trí khởi động chiến dịch rời khỏi EU (Dexit) nếu yêu cầu cải cách của họ không được đáp ứng trong khung thời gian thích hợp. Đảng này cũng bỏ phiếu thông qua lời kêu gọi bãi bỏ Nghị viện châu Âu. AfD hiện là đảng đối lập lớn nhất tại Quốc hội Đức sau khi tiến vào cơ quan này năm 2017.

MAI QUYÊN

 

Chia sẻ bài viết