18/06/2019 - 20:38

Thông điệp của ông Tập từ Bình Nhưỡng 

Chuyến thăm Bình Nhưỡng của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang lâm vào chiến tranh thương mại, còn tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên gặp bế tắc.

 Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) đón tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên trong một lần thăm Bắc Kinh. Ảnh: KCNA/EPA

Chủ tịch Trung Quốc sẽ thăm Bình Nhưỡng trong hai ngày 20 và 21-6. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Triều Tiên trong 14 năm qua. Người tiền nhiệm của ông Tập là Hồ Cẩm Đào đã đến thăm Triều Tiên năm 2005 theo lời mời của ông Kim Jong-il, phụ thân của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện nay. Đài truyền hình Trung Quốc CCTV cho biết chuyến đi này của Chủ tịch Tập đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung- Triều. Về mặt ngoại giao, các chuyên gia cho rằng chuyến đi của ông Tập nhằm đáp lại 4 chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un kể từ tháng 3-2018, mà gần nhất là đầu tháng 1-2019.

Dẫu vậy, theo ông Zhang Liangui, chuyên gia về Triều Tiên của Trường Đảng Trung ương tại Bắc Kinh, chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Tập là một động thái địa chính trị quan trọng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt là thương chiến leo thang giữa Bắc Kinh và Washington. Dự kiến sẽ có cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng này, nên ông Tập đang tìm cách tạo ưu thế cho mình. Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Lingnan (Hong Kong), nhận định ông Tập có thể sử dụng vấn đề Triều Tiên để vừa gây sức ép với Mỹ vừa muốn đóng vai trò trung gian đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington. Nói cách khác, ông Tập muốn sử dụng Triều Tiên như một quân bài ngoại giao trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ nhằm mặc cả về thương mại. “Tập Cận Bình muốn tăng cường vị thế của Bắc Kinh như là một sứ giả hoặc một nhà trung gian thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa nhằm chứng tỏ rằng mình có những quân cờ ngoại giao để đấu với ông Trump” - Boo Seung-chan, Phó giáo sư thuộc Viện nghiên cứu Yonsei về Triều Tiên  tại Seoul, bình luận về chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Tập.

Trung Quốc chiếm đến 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên và là bên cung cấp phần lớn năng lượng, thực phẩm nhập khẩu cho Bình Nhưỡng. Triều Tiên hy vọng có thể nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ kinh tế, thuốc men và dược phẩm từ bên ngoài giữa lúc quốc gia khoảng 23 triệu dân này đang gặp khó khăn vì các biện pháp cấm vận quốc tế và mùa màng thất bát do hạn hán. Nhân chuyến thăm lịch sử tại Bình Nhưỡng, ông Tập dự kiến sẽ đến viếng Tháp hữu nghị Trung-Triều, nơi tưởng niệm những binh sĩ Trung Quốc đã chiến đấu bên cạnh người Triều Tiên chống lại quân Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Triều Tiên khó có thể đưa ra những cam kết cụ thể về vấn đề phi hạt nhân hóa với ông Tập. Sau khi không đạt được thỏa thuận nào với Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hồi tháng 2-2019, ông Kim Jong-un đã gia tăng áp lực lên Mỹ bằng hàng loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn và “vũ khí đặc biệt”, đồng thời lần đầu tiên qua Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin. Chuyến thăm của ông Tập cũng được cho là sẽ gia tăng vị thế của nhà lãnh đạo Triều Tiên trước cuộc gặp lần ba (nếu có) với ông Trump.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết