18/09/2014 - 10:09

Thổ Nhĩ Kỳ lưỡng lự, Mỹ gặp khó trong chiến dịch chống IS

Khi Mỹ triển khai chiến dịch ném bom chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syrie, nước này hy vọng rằng một trong những đồng minh thân cận nhất trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ góp sức nhưng Ankara hiện tỏ ra lưỡng lự, khiến Washington gặp không ít khó khăn.

Trong khi Mỹ hồi tuần trước giành được sự ủng hộ thành lập một liên minh chống IS từ 10 quốc gia A-rập, bao gồm Ai Cập, Iraq, Jordanie, Liban, Arabie Séoudite, UAE, Bahrain, Qatar, Koweit và Oman, Thổ Nhĩ Kỳ đã lưỡng lự, không đăng ký tham gia kế hoạch do Washington khởi xướng. Nguyên nhân chủ yếu là do Tổng thống Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu lo ngại điều đó sẽ vô tình "giúp sức" cho chính quyền Tổng thống Syrie Bashar al-Assad cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng giáo phái ở Iraq. Một nguyên nhân khác khiến Ankara không muốn công khai tham gia hành động của Washington là họ lo ngại tính mạng của 46 con tin Thổ Nhĩ Kỳ bị các tay súng IS bắt giữ tại thành phố Mosul sau khi chúng tấn công vào miền Iraq hồi tháng 6. "Đó là một hành động cân bằng rất phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng làm hài lòng Mỹ mà không cần phải tham gia liên minh này. Họ chắc chắn sẽ chịu rất nhiều áp lực nhưng rất khó để họ có thể ngăn cản chiến lược của Mỹ" - nhà phân tích về Thổ Nhĩ Kỳ Fadi Hakura thuộc trung tâm nghiên cứu Chatham House (Anh) nhận định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 12-9 tại Thủ đô Ankara. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, nếu chấp thuận tham gia chiến dịch chống IS của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng một vai trò thầm lặng nhưng rất quan trọng, đó là ngăn chặn dòng chảy các tay súng nước ngoài qua biên giới để tham chiến tại Iraq và Syrie, cắt đứt nguồn tài chính của IS cũng như cung cấp các hỗ trợ nhân đạo và hậu cần. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ duy trì chính sách mở cửa biên giới tại các khu vực giáp với Syrie, cho phép người tị nạn sang nương náu cũng như cho phép vũ khí và các chiến binh ngoại quốc tràn vào Syrie với hy vọng có thể lật đổ ông Assad. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng chính sách này đã phản tác dụng, tạo ra một mối đe dọa mới không chỉ cho Iraq và Syrie mà còn là hiểm họa khôn lường đối với toàn cầu.

Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 16-9 cho biết không loại trừ khả năng bộ binh nước này sẽ tham gia chiến dịch chống IS của Tổng thống Barack Obama. Theo Tướng Dempsey, bộ binh Mỹ có thể hỗ trợ binh sĩ Iraq trong các cuộc tấn công phức tạp, chẳng hạn như chiến đấu để chiếm lại thành phố miền Bắc Mosul hiện đang bị các tay súng IS kiểm soát. Ông Dempsey nói rằng nếu chiến dịch mở rộng không kích sang cả lãnh thổ Syrie kết hợp gia tăng cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân nổi dậy "ôn hòa" Syrie thất bại, ông sẽ khuyến nghị ông Obama triển khai cố vấn quân sự "sát cánh" cùng binh sĩ Iraq trong các cuộc tấn công các mục tiêu của IS. Phản ứng trước phát biểu của ông Dempsey, Nhà Trắng lập tức nhắc lại lập trường mà Tổng thống Obama đã nhiều lần khẳng định là sẽ không triển khai bộ binh đến tham chiến tại Iraq hoặc Syrie.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết