|
Tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ trên Địa Trung Hải. Ảnh: TodayZaman |
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ “đóng băng” quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) nếu CH Síp đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU vào năm 2012. Theo các nhà phân tích, đây là động thái mà Ankara muốn mượn EU để gây sức ép với Síp.
Hãng tin Anh Reuters ngày 19-9 dẫn tuyên bố của Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Besir Atalay cho biết: “Nếu EU trao cương vị chủ tịch luân phiên cho chính quyền khu vực Nam đảo Síp, khủng hoảng thật sự sẽ diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Bởi vì khi đó, Ankara sẽ ngưng mọi quan hệ với EU”. Chính quyền Síp của người gốc Hy Lạp ở phía Nam, được quốc tế công nhận, dự kiến sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên EU vào tháng 7-2012. CH Síp đã bị chia cắt từ khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đảo này năm 1974 sau một cuộc đảo chính của người gốc Hy Lạp.
Tuyên bố của ông Atalay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao ở Đông Địa Trung Hải, khu vực Thổ Nhĩ Kỳ tranh chấp với Síp về trữ lượng khí đốt ở ngoài khơi. Đầu tuần rồi, “khẩu chiến” đã xảy ra giữa hai nước về các kế hoạch của Síp khai thác dầu khí ở khu vực này. Cụ thể, công ty năng lượng Noble có trụ sở ở Texas (Mỹ), được chính quyền Nam Síp cấp phép, dự kiến bắt đầu công việc thăm dò ở khu vực ngoài khơi Đông Nam đảo Síp, vào khoảng đầu tháng 10 tới. Các gói thầu ở những lô khác dự kiến sẽ được mở vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ năm ngoái ước tính có khoảng 1,7 tỉ thùng dầu và 3.454 tỉ mét khối khí đốt ở khu vực Levant.
Mới đây, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định Ankara sẵn sàng triển khai hải quân khắp Địa Trung Hải, sau khi Israel tuyên bố tìm thấy mỏ khí đốt ở khu vực phía Đông biển này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích kế hoạch của chính quyền Síp cho phép khai thác dầu khí trước khi đạt được thỏa thuận với những người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chỉ được Ankara công nhận ở phía Bắc đảo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters: “Điều này là không thể chấp nhận được bởi vì tài nguyên của đảo thuộc về cả hai bên”.
Đáp lại, Tổng thống CH Síp Demetris Christofias tuyên bố phản đối những “đe dọa” của Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng Síp đang chờ đợi phản hồi từ các đồng minh bên ngoài. Ông Christofias khẳng định chính quyền Síp vẫn sẽ thúc đẩy các kế hoạch khai thác dầu khí. Ông nói: “Cùng với việc đặt vấn đề về chủ quyền của CH Síp, Thổ Nhĩ Kỳ còn đang de dọa đất nước chúng tôi và các đồng minh. Điều này gây căng thẳng ở khu vực và vi phạm nguyên tắc quốc tế”. Ông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền phản đối hoặc đe dọa Síp vì các kế hoạch thăm dò và khai thác nằm ở khu vực Đặc quyền kinh tế của đảo quốc này. Ông Christofias kêu gọi Ankara đàm phán, thay vì hành động như “kẻ gây hấn” ở khu vực Đông Địa Trung Hải.
“Đấu khẩu” về nguồn tài nguyên dưới lòng biển ở Levant giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp, thực chất chỉ là một phần trong cuộc tranh chấp quyền kiểm soát vùng biển này lâu nay giữa Síp, Thổ Nhĩ Kỳ, Syrie, Liban, Israel, Dải Gaza và Ai Cập. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera đầu tháng này, Thủ tướng Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước đi nhằm ngăn chặn Israel đơn phương khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở phía Đông Địa Trung Hải.
NGUYỄN KIỆT
(Theo Reuters, Hyrriyet Daily)