10/08/2011 - 21:59

Thị trường tài chính tạm lắng

Các nhân viên chứng khoán trên sàn giao dịch New York. Ảnh: EPA

Các biện pháp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu chính phủ Ý và Bồ Đào Nha, cùng với việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kéo dài thời gian giữ lãi suất thấp đã phần nào giúp thị trường tài chính thế giới tạm lắng dịu.

Hôm 9-8, ECB tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Ý và Tây Ban Nha ngày thứ hai liên tiếp, giúp ổn định được chi phí vay nợ cho hai nước này và giải tỏa những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nợ lan rộng tới các nước lớn hơn ở châu Âu. ECB dự kiến sẽ công bố tổng số tiền mua trái phiếu trong tuần này vào ngày 15-8 tới, nhưng theo ước tính của một số nhà phân tích, họ đã mua ít nhất 3,5 tỉ euro hôm 8-8 và thêm nhiều tỉ euro nữa trong ngày hôm sau. Lãi trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở Ý và Tây Ban Nha giảm trở lại vào hôm 9-8, xuống ở mức 5% sau khi vượt ngưỡng 6% cuối tuần trước.

Trong khi đó, tại Mỹ, FED cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức cực thấp thêm 2 năm nữa nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng. FED cho biết đang chuẩn bị sử dụng hàng loạt công cụ chính sách để giảm tỷ lệ thất nghiệp và kích thích kinh tế trong vài tháng tới.

Thông báo của FED được đưa ra khi thị trường chứng khoán Phố Wall “gượng dậy” sau đợt sụt giảm mạnh 2 tuần qua, dù giá cổ phiếu không tăng đáng kể. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng trở lại 430 điểm (4%) trong ngày 10-8. Lãi trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ cũng giảm còn 2,27% từ mức 2,34% trước đó. Trước đó, chỉ số FTSE 100 của Luân Đôn đã tăng nhẹ lần đầu tiên trong 8 ngày qua. Một số thị trường châu Á hôm qua cũng tăng trở lại sau khi giảm mạnh 2 ngày trước. Chỉ số Nikkei của Nhật mở cửa tăng 1,9% và S&P/ASX 2000 của Úc tăng 1%.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng số tiền ECB mua trái phiếu chỉ là khoản nhỏ so với quy mô nợ của Ý và Tây Ban Nha. Vì vậy, việc mua trái phiếu của ECB không tạo ra sự thay đổi đáng kể viễn cảnh suy thoái ở châu Âu, trong bối cảnh kinh tế khu vực đã tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, nhiều nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn đang vất vả đối phó với khó khăn xen lẫn giữa kinh tế trì trệ và chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Greg Fuzesi, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng JP Morgan Chase, cho rằng nếu ECB tiếp tục mua trái phiếu có thể tạm thời đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng, nhưng về mặt tăng trưởng, không thể không tin là nó sẽ tạo ra sự sụt giảm lớn hơn. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội khối (GDP) của Eurozone dự kiến sẽ giảm từ 3% quý đầu năm nay xuống còn 1%-1,5% trong quý 2 và có thể dưới 1% trong quý 3.

Một trong những dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng vẫn còn trên các thị trường tài chính châu Âu là tiền gởi ngân hàng tại ECB tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, đạt 145 tỉ euro hôm 8-8. Điều này có nghĩa là các ngân hàng không sẵn sàng cho vay lẫn nhau mà chỉ chú trọng sự an toàn của ECB, mặc dù ECB trả lãi thấp hơn các thị trường liên ngân hàng. Sự lo ngại cũng gia tăng về tình hình kinh tế của Pháp, khi nước này có thể bị hạ định mức tín nhiệm nợ từ AAA xuống AA+, giống như Mỹ, do mức nợ cao và viễn cảnh tăng trưởng yếu.

THÁI BÌNH (Theo WSJ, Guardian, WP)

Nguồn vốn đổ vào Việt Nam và các nền kinh tế châu Á
sẽ tiếp tục tăng

Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sau cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm mạnh trong những ngày vừa qua sau khi Mỹ bị cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) hạ mức xếp hạng tín dụng.

Người phụ trách Văn phòng hội nhập kinh tế khu vực của ADB, ông Iwan Azis nhận định mặc dù diễn biến của thị trường trong hai ngày 8-9/8 khiến mọi người hoang mang, song khi cơn khủng hoảng hạ nhiệt thì dòng vốn đổ vào những nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ tiếp tục gia tăng.

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo Theo dõi thị trường vốn châu Á của ADB, ông Azis nêu rõ cuộc khủng hoảng hiện nay trên thị trường tài chính toàn cầu sẽ không ngăn cản những dòng vốn đầu tư trung hạn đổ vào 11 nền kinh tế đang lên ở châu Á là Trung Quốc, Hồng Công, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philiipines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Ông Azis nhấn mạnh rằng nguyên nhân giúp cho khu vực châu Á khác biệt so với phần còn lại của thế giới là nhờ “những nền tảng vĩ mô vững chắc”.

Theo báo cáo của ADB, với việc kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính và tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997, khu vực này hiện đang có nguồn dự trữ cũng như khả năng thanh khoản thặng dư và có nhiều công cụ tài chính hơn để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các hoạt động xuất khẩu của khu vực này tới các thị trường truyền thống ở Mỹ và châu Âu dự báo sẽ sụt giảm.

Bên cạnh những nhận định trên, ADB cũng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách tại châu Á cần phát triển các công cụ để giải quyết các dòng vốn đầu tư không ổn định có thể dẫn tới những “chu kỳ tăng trưởng - sụp đổ”.

P.V (TTXVN) 

Chia sẻ bài viết