22/06/2024 - 21:23

Thêm thảm kịch tại Gaza 

Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết văn phòng cơ quan này ở Al-Mawasi, khu vực phía Tây thành phố Rafah thuộc Dải Gaza, đã bị trúng đạn pháo khiến ít nhất 25 người đang trú ẩn ở xung quanh thiệt mạng và khoảng 50  người bị thương.

Các nạn nhân thiệt mạng tại al-Mawasi hôm 21-6. Ảnh: Reuters

ICRC nêu rõ các quả đạn pháo hạng nặng đã rơi cách văn phòng và nơi ở của các nhân viên ICRC chỉ vài mét vào chiều 21-6. Ủy ban này khẳng định vụ tấn công đã làm hỏng kết cấu của văn phòng ICRC, khu vực có hàng trăm người phải di dời sống trong các lều trại.

 ICRC cho biết đã tiếp nhận những báo cáo về khả năng có thêm thương vong. Ủy ban này cũng nhấn mạnh việc pháo kích quá gần các cơ sở nhân đạo, nơi mà các bên trong cuộc xung đột đều biết vị trí và được đánh dấu rõ ràng bằng biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ, gây nguy hiểm đến tính mạng của thường dân và nhân viên Hội Chữ thập đỏ. Sự cố an ninh nghiêm trọng trên là một trong số nhiều vụ việc xảy ra những ngày gần đây. Cơ quan này cho rằng vụ pháo kích do Israel thực hiện đã nhắm vào các lều trại của những người di tản ở khu vực Al-Mawasi xung quanh văn phòng của ICRC.

Trong bối cảnh trên, Liên Hiệp Quốc (LHQ) tuyên bố trách nhiệm của Israel là khôi phục trật tự và an toàn công cộng tại vùng lãnh thổ Gaza của Palestine để hàng viện trợ nhân đạo có thể được chuyển đến nơi này.

Phát biểu trước báo giới, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh có tình trạng “hoàn toàn vô luật pháp” ở Gaza, nơi tổ chức này đã cảnh báo nạn đói sắp xảy ra đối với 2,3 triệu người dân sau hơn 8 tháng xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel. Hầu hết các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza đã bị cướp phá. Tuy nhiên, Israel đã ngăn cản LHQ sử dụng cảnh sát dân sự Palestine để bảo vệ hàng viện trợ. 

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nắng nóng gay gắt ở Dải Gaza có thể làm trầm trọng hơn nữa những vấn đề về sức khỏe đối với người dân Palestine vốn đang thiếu thốn nhu yếu phẩm cần thiết trong bối cảnh xung đột giữa Hamas và Israel vẫn diễn biến căng thẳng.

Thời gian qua, người dân Palestine tiếp tục di dời khỏi nơi ở của mình với số lượng lớn. Trong bối cảnh thiếu thốn cơ sở sinh hoạt và nhu yếu phẩm cần thiết, nắng nóng có thể làm cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như nước uống có thể dễ nhiễm bẩn hơn dưới thời tiết nắng nóng, lương thực thực phẩm có thể dễ hỏng hơn. Vì vậy, ông Richard Peeperkorn - đại diện của WHO tại Gaza và Bờ Tây - bày tỏ quan ngại rằng nắng nóng có thể là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh hoặc khiến nhiều bệnh khác gia tăng mức độ nghiêm trọng. Ông Peeperkorn cho biết, số ca mắc bệnh tiêu chảy tại Gaza đã tăng gấp 25 lần so với thông thường, chủ yếu do không đảm bảo điều kiện vệ sinh và nước uống khi trời nắng nóng. 

Tuy nhiên, các nhân viên y tế của WHO tại Gaza đã không thể tiến hành các hoạt động sơ tán người bệnh khỏi Gaza kể từ khi cửa khẩu Rafah bị đóng lại hồi đầu tháng 5 do xung đột giữa Hamas và Israel. Theo ông Peeperkorn, khoảng 10.000 bệnh nhân vẫn đang cần được sơ tán khỏi Gaza để điều trị bệnh, một nửa trong số đó đang gặp phải những vấn đề về sức khỏe do ảnh hưởng của cuộc xung đột.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 21-6 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước căng thẳng leo thang giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Libanon, khẳng định các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đang nỗ lực làm dịu tình hình và ngăn chặn tính toán sai lầm. “Một hành động liều lĩnh - một tính toán sai lầm - có thể gây ra một thảm họa xuyên biên giới và nói thẳng ra là ngoài sức tưởng tượng… Cần làm rõ điều này: Mọi người trong khu vực và trên thế giới không được để Libanon trở thành một Gaza thứ hai”, ông Guterres nói.

TTXVN

Chia sẻ bài viết