21/06/2010 - 22:20

Thế kẹt của Lầu Năm Góc

Trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất hạ cánh xuống căn cứ Deleram ở Afghanistan.
Ảnh: Reuters

Chính phủ Mỹ đang mua một số trực thăng do Nga sản xuất để làm nòng cốt cho Không quân vừa mới được củng cố của Afghanistan. Tuy nhiên, chiến lược đó đang vấp phải “hỏa lực” phản đối từ các nghị sĩ Mỹ, vốn muốn buộc Không quân Afghanistan phải sử dụng trực thăng do Mỹ sản xuất.

Lầu Năm Góc đã chi 648 triệu USD để mua 31 trực thăng vận tải Mi-17 của Nga nhằm bổ sung cho Không quân quốc gia Afghanistan. Bộ Quốc phòng Mỹ còn đang thương lượng mua thêm 10 chiếc trong năm tới và đã có kế hoạch “tậu” hàng chục chiếc nữa trong 10 năm. Không quân Afghanistan hiện có 48 máy bay và biên chế 3.300 người, dự kiến sẽ được tăng cường lên 146 máy bay và 8.000 người vào năm 2016. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, Mi-17 dự kiến chiếm một nửa số máy bay chiến đấu của Afghanistan, vì đây là loại trực thăng được thiết kế chuyên cho các hoạt động ở Afghanistan, vốn có địa hình núi non, sa mạc hiểm trở.

Các quan chức quân đội Mỹ và Afghanistan cho rằng nhìn có vẻ kỳ quặc khi Lầu Năm Góc đầu tư mua sản phẩm quân sự của Nga, nhưng nếu không thay đổi theo hướng đó sẽ gây ra nhiều vấn đề cho phi công Afghanistan. Hơn 450 quân nhân Mỹ đang ở Afghanistan tập huấn cho phi công nước sở tại, nhưng quá trình huấn luyện tiến bộ rất chậm. Rất nhiều trong số những người Afghanistan được tuyển làm phi công không biết chữ, mà buộc phải học tiếng Anh trước khi có thể học lái máy bay Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết họ thường phải mất 2-5 năm để huấn luyện một phi hành đoàn hoàn chỉnh. Từ trước tới nay chỉ có duy nhất một phi công Afghanistan tốt nghiệp trường bay ở Mỹ. Điều đó buộc Không quân Afghanistan phụ thuộc vào những phi công đã được học lái Mi-17 thời gian trước. Vấn đề là hầu hết những phi công đó đang ở độ tuổi 40, nên yêu cầu họ bắt đầu học điều khiển trực thăng mới của Mỹ sẽ là một “cuộc chiến vất vả”. Không một ai trong số phi công Afghanistan có thể điều khiển được trực thăng do Mỹ sản xuất.

Từ năm 2005, Mỹ nỗ lực khôi phục Không quân Afghanistan khi nước này chỉ còn khoảng vài chục phi công và vài chiếc Mi-17. Các quan chức Mỹ hy vọng Không quân Afghanistan sẽ đủ sức bảo vệ bầu trời của họ vào năm 2016, 5 năm sau khi quân đội Mỹ rút quân theo kế hoạch của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, Tướng Michael Boera của Không lực Mỹ chịu trách nhiệm tái thiết Không quân Afghanistan, cho rằng thời hạn này có thể phải kéo dài thêm ít nhất là 2 năm nếu Quốc hội Mỹ buộc Không quân Afghanistan sử dụng trực thăng của Mỹ.

Bất chấp lập luận của giới quân sự, việc dùng tiền của người đóng thuế Mỹ để mua thiết bị quân sự Nga sẽ không dễ qua “cửa” Quốc hội Mỹ. Một số nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phản đối vì cho rằng Lầu Năm Góc không xem xét những lựa chọn khác ngoài Mi-17. Theo họ, giá trực thăng Nga đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2006, từ 6 triệu USD lên 18 triệu USD. Hậu quả là Mỹ sẽ lãng phí rất lớn, trong khi độ an toàn và những vấn đề chuyển giao Mi-17 cũng đáng lo ngại.

Đành rằng Tổng thống Obama đã kêu gọi “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” để cứu nguy nền kinh tế, nhưng trong trường hợp “quân cơ cấp bách” đặc thù như ở Afghanistan, mà các ông nghị Mỹ vẫn khư khư cái ngữ ấy, thì thiệt là “kẹt” cho Lầu Năm Góc, khi họ phải hoàn thành mục tiêu rút quân đúng hạn định.

NGUYỄN HOÀNG (Theo Washingtonpost, Reuters)

Trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất hạ cánh xuống căn cứ Deleram ở Afghanistan. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết