11/08/2012 - 22:00

"Thế hệ vàng" ở Hàn Quốc chật vật tuổi về hưu

Ông Lee Jin-taek xem ti-vi trong khi làm việc tại cửa hàng tạp hóa ở Seoul. Ảnh: Reuters

Tại Hàn Quốc, nơi độ tuổi về hưu trung bình tương đối trẻ (58 tuổi), hiện một thế hệ người cao tuổi đang đổ xô tìm kiếm các công việc nặng nhọc tại nhiều cửa hàng bán cà phê và các cửa tiệm nhỏ, những nơi vốn chỉ giúp họ đắp đổi qua ngày lúc “xế chiếu”.

Nghiên cứu mới đây của Bộ Phúc lợi xã hội Hàn Quốc cho thấy có đến hơn 1/2 trong tổng số 7,1 triệu “baby boomer” (chỉ những người sinh ra trong giai đoạn 1955-1963) không hề chuẩn bị bất cứ nguồn tài chính nào cho việc về hưu. Nhiều người trong số này đang cố kiếm sống bằng cách mở các doanh nghiệp nhỏ bằng nguồn tiền vay mượn khác nhau. Kết quả là đã dẫn đến một sự gia tăng số lượng người cao tuổi nhưng nợ nần và vẫn phải tự đi làm kiếm sống. Họ chính là đối tượng dễ có nguy cơ bị vỡ nợ, thường ở mức trung bình là 68,95 triệu Won (khoảng 60.000 USD) trên mỗi hộ gia đình.

Hiện tại, người trên 50 tuổi chiếm đến 54% số người tự kiếm sống tại xứ sở kim chi trong năm 2011, tăng cao so với chỉ 47% hồi năm 2008. Lực lượng người cao tuổi cũng chính là nhóm mang gánh nặng nợ nần cao nhất, xấp xỉ 2 lần thu nhập hàng năm của những người trên 60 tuổi. Dữ liệu từ ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho thấy tỷ lệ nợ vay trên thu nhập ở những người trong độ tuổi 40 vào khoảng 148% (tính tại thời điểm cuối tháng 11-2011). Trong khi đó, tỷ lệ này ở những người trong độ tuổi từ 50-60 tuổi lại là 169%. Riêng đối với người trên 60 tuổi, tỷ lệ đó lên đến 193%. Ngoài ra, người ở độ tuổi 50 và cao hơn cũng chiếm gần 1/4 số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong năm 2011 so với chỉ 15% hồi năm 2006.

Đất nước có 50 triệu dân này từng được ví von với tên gọi “Phép màu trên sông Hàn” để khen ngợi khả năng phát triển kinh tế từ trong đống đổ nát của một giai đoạn chiến tranh để vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới chỉ trong vòng một thế hệ. Trong đó, các tập đoàn công nghệ như Samsung và Hyundai đã trở thành các nhà cung cấp điện thoại thông minh và xe hơi trên toàn cầu. Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp nhỏ chiếm 30% lực lượng lao động ở Hàn Quốc -đây là tỷ lệ lớn thứ 4 trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ủy ban Quản lý Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc cho biết trong nhóm này lại có tới 27% doanh nghiệp đang mắc nợ hoặc không có khả năng kiếm ra lợi nhuận trong năm 2010. “Chúng tôi chỉ kiếm đủ ăn và sống”- ông Lee Jin-Taek, 61 tuổi, một chủ cửa hàng nhỏ cho biết.

Ước tính sẽ có thêm 3,1 triệu người thuộc thế hệ “baby boomer” sẽ về hưu trong vòng 10 năm tới. Hiện tại, mức lương bình quân hàng tháng dành cho người nhận trợ cấp hưu trí tại Hàn Quốc cũng chưa đến 300.000 won và có đến 72% người dân trên 65 tuổi không đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu theo hệ thống tương đối mới, xây dựng từ năm 1988.

Chính phủ dự kiến giúp thế hệ này giữ được lâu hơn công việc của mình, cung cấp thông tin và cho vay tiền để khởi nghiệp, đồng thời mở trường dạy kinh doanh cho họ. “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình cố gắng phê chuẩn nguồn ngân sách cho các chính sách này”- ông Lee Ji-eun, quan chức Bộ Lao động được chính phủ giao giải quyết vấn đề này cho biết.

THÁI THANH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết