30/03/2020 - 08:41

Thế giới trước "thảm họa nhân đạo" vì COVID-19 

Liên Hiệp Quốc (LHQ), các tổ chức cứu trợ nhân đạo và giới chuyên gia mới đây cảnh báo, việc nhiều nước áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), gồm đóng cửa biên giới, hải cảng cũng như hạn chế sự đi lại của các nhân viên nhân đạo, đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người tại những nơi bị chiến tranh, biến đổi khí hậu tàn phá.

Người tị nạn Syria trước nguy cơ chết đói vì COVID-19. Ảnh: AFP

Lola Castro, giám đốc khu vực của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Nam Phi, cho biết do COVID-19, các chương trình hỗ trợ lương thực dành cho hàng triệu người tại 12 quốc gia bị hạn hán tác động bị gián đoạn, từ đó tạo ra ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Trong khi đó, Hội đồng tị nạn Na Uy (NRC) lo ngại, lệnh cấm đi lại của nhiều quốc gia khiến cho các nhân viên nhân đạo không thể tiếp cận hàng chục triệu người gặp khó khăn, gồm khoảng 300.000 người ở các khu vực xung đột trên khắp Trung Đông như Syria, Yemen và Dải Gaza, những nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, dễ bị dịch bệnh tấn công.

"Trong khi chính phủ các nước đang triển khai các biện pháp cứng rắn và cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, hàng triệu người tị nạn và người vô gia cư vẫn phụ thuộc vào hàng cứu trợ nhân đạo. Nếu siêu thị và nhà thuốc duy trì hoạt động trong cuộc khủng hoảng này thì công tác cứu trợ nhân đạo cũng cần như vậy" - Jan Egeland, Tổng thư ký NRC, nói. Ông Egeland cho rằng COVID-19 có khả năng dẫn tới thảm họa nhân đạo nếu như những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh không được bảo vệ kịp thời. Do lệnh cấm đi lại của chính phủ nhiều nước, các tổ chức nhân đạo đã đình chỉ các chương trình cứu trợ ở một số nơi, khiến cho các gia đình cần được cứu trợ rơi vào cảnh khốn đốn.

Hiện ở Nam Phi, nơi có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất lục địa đen và là trung tâm hậu cần nhân đạo chính của khu vực, 35 trong số 53 đồn biên phòng đã bị đóng cửa hoặc hạn chế đi lại ngay cả khi các cơ quan nhân đạo yêu cầu cho phép các chuyến hàng cứu trợ tiếp tục được chuyển đến nước này. Khi COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, khoảng 45 triệu người trong khu vực được xác định là thiếu lương thực, 8,1 triệu người trong số này sống nhờ vào nguồn cung ứng lương thực của WFP. Còn tại những nơi khác ở châu Phi, lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài ở các nước từ Nam Sudan đến Cộng hòa Dân chủ Congo cũng đang tạo ra tác động đối với công tác cứu trợ nhân đạo.

Không chỉ tại châu Phi, nhiều nước khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hiện Afghanistan đang đón nhận dòng người "trốn dịch" khổng lồ từ Iran, giữa lúc Pakistan cho đóng các cửa khẩu biên giới chung - tuyến đường viện trợ chính cho Afghanistan. Dù Kabul vẫn cho phép các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo vào nước này nhưng tình hình dường như không mấy cải thiện. Trong khi đó, tại Bangladesh, nơi hiện đang "cưu mang" khoảng 900.000 người tị nạn Rohingya từ Myanmar, chính phủ yêu cầu các tổ chức cứu trợ nhân đạo không đưa thêm nhân viên tới và ra lệnh hạn chế đi lại giữa các trại tị nạn và thị trấn Cox's Bazar gần đó - động thái được cho sẽ làm cạn kiệt các nguồn cung ứng lương thực quan trọng, khiến những người vô gia cư đứng trước nguy cơ chết đói.

TRÍ VĂN (Theo Guardian, Globalnews)

Chia sẻ bài viết