Kỳ 1: Kết thúc thời kỳ lương thực giá rẻ
Kỳ 2: Nhiên liệu sinh học hay an ninh lương thực
Nhiên liệu sinh học từng được ca ngợi là giải pháp “xanh” cho môi trường trước nhu cầu năng lượng tăng cao trên thế giới, nhưng hiện trở thành nguyên nhân chính làm giá lương thực leo thang. Thế giới đang phải lựa chọn giữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học để bảo vệ môi trường với an ninh lương thực.
|
Sử dụng bắp làm nhiên liệu sinh học đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Ảnh: CS Monitor |
Rajendra Pachauri, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ, cho rằng sản xuất nhiên liệu sinh học là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giá lương thực tăng mạnh. Mỹ dự kiến sẽ sản xuất hơn 30 tỉ lít ethanol sinh học/năm (thay thế nhiên liệu ô tô) theo luật năng lượng mới. Để đạt được mục tiêu đó, gần 1/5 sản lượng bắp của hơn 32 triệu ha diện tích chuyên canh hiện nay ở Mỹ sẽ được dùng để sản xuất ethanol. Năm ngoái, Mỹ tăng khoảng 18% diện tích trồng bắp cho mục tiêu này. Điều đó có nghĩa là diện tích đất dành cho các cây lương thực khác như đậu nành, lúa mì... sẽ giảm. Theo tính toán của các nhà khoa học, với nhu cầu sản xuất ethanol ở Mỹ, châu Âu và các nước giàu, mỗi năm thế giới cần cung cấp tới 500 triệu tấn nguyên liệu. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, giá bắp toàn cầu sẽ tăng khoảng 26%, các loại hạt có dầu tăng khoảng 18% vào năm 2020.
Các nhà khoa học cho rằng sản xuất nhiên liệu sinh học từ nông sản là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi ngay cả khi tất cả sản lượng bắp và đậu nành của Mỹ được dùng để làm ethanol, nước này cũng chỉ đáp ứng 11% nhu cầu xăng và 8,7% nhu cầu dầu diesel. Để đáp ứng đủ ethanol cần thiết ở Mỹ, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho rằng tất cả mọi nơi trên thế giới đều phải trồng bắp cung cấp cho nước này.
Dân số toàn cầu tăng gần 80 triệu người/năm và dự báo sẽ có 7 tỉ người sống trên hành tinh vào năm 2012, nên lương thực thật sự trở thành bài toán khó. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính để đáp ứng đủ nhu cầu, sản lượng ngũ cốc giai đoạn 2000-2030 phải tăng gần 50% và sản lượng thịt tăng khoảng 85%. Hiện tại, do giá lương thực tăng cao, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) buộc phải cắt giảm các khoản viện trợ khẩn cấp cho 37 quốc gia. WFP cho biết 18.000 trẻ em chết trên thế giới mỗi ngày vì đói và các chứng bệnh liên quan. |
Bên cạnh đó, do dành đất phát triển các loại cây sản xuất nhiên liệu, diện tích rừng trên thế giới ngày càng thu hẹp. Nhiều cánh rừng ở Indonesia và Malaysia bị triệt phá để trồng dầu cọ - nguồn nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học. Thỏa thuận hồi năm ngoái giữa Tổng thống Mỹ George Bush và người đồng nhiệm Brazil Lula Da Silva nhằm đưa ethanol thành loại hàng hóa quốc tế, cũng làm các nhà khoa học lo ngại. Họ cho rằng diện tích rừng Amazon có thể bị thu hẹp khi các nước Nam Mỹ khai thác đất để trồng mía.
Bất chấp những lo ngại về giá lương thực leo thang hay rừng bị tàn phá, hiện với 101 nhà máy chế biến ethanol đang hoạt động, Mỹ có thể sản xuất hơn 18 tỉ lít ethanol/năm. Vốn dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu đường, nhưng Brazil hiện cũng là nhà sản xuất ethanol hàng đầu thế giới với 300 nhà máy ethanol có tổng sản lượng khoảng 13 tỉ lít/năm. 600.000 đồn điền mía ở Brazil dần chuyển sang cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy ethanol chứ không còn cho các nhà máy đường. Do vậy, giá đường thế giới năm ngoái có thời điểm vượt mức 277 USD/tấn.
N.MINH (Theo AFP, AP, THX, Reuters)