23/05/2022 - 20:42

Thế giới đang bước vào “thời kỳ nguy cấp” 

HẠNH NGUYÊN (Theo DW)

Thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho thời kỳ mà suy thoái môi trường đang kết hợp với tình trạng xung đột vũ trang gia tăng, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Hàng triệu người Somalia đối mặt với cảnh thiếu nước và lương thực trầm trọng do hạn hán. Ảnh: UN

 

Trong báo cáo mới nhất, SIPRI cho rằng một cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng và một chân trời an ninh đen tối đang hỗ trợ nhau theo những cách nguy hiểm. Nạn phá rừng, băng tan và đại dương bị ô nhiễm đang xuất hiện cùng lúc, cộng với đó là sự gia tăng số người chết liên quan xung đột vũ trang, chi tiêu quân sự và ngày càng nhiều người có nguy cơ chết đói. Ðại dịch lại đặt ra những hiểm họa khác.

Somalia là một ví dụ cho thấy những tình trạng khẩn cấp trên. Quốc gia Ðông Phi này đang đối phó với nạn hạn hán kéo dài 2 năm, nghèo đói và các cuộc tấn công từ tổ chức khủng bố al-Shabab. Các vấn đề tương tự cũng nổi lên ở Trung Mỹ. Mất mùa do biến đổi khí hậu “bắt tay” với xung đột và tham nhũng, đã khơi mào làn sóng di cư ồ ạt sang Mỹ.

Tài liệu kết luận rằng, mặc dù nhân loại ngày nay mạnh về mặt tài chính hơn so với trước đây, nhưng họ lại bất an hơn. Theo đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu và đại dịch đang đe dọa các chuỗi cung ứng toàn cầu. Xung đột vũ trang và mùa màng thất bát đã khiến việc trồng trọt trở nên mong manh, qua đó đẩy nông dân vào các cuộc di cư toàn cầu. Thông thường, những quốc gia mà nông dân bỏ đi cũng đang đối mặt với mức độ nghèo khó cao và quản lý yếu kém.

Số cuộc xung đột vũ trang giữa các quốc gia đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2020, lên 56 cuộc. Số người tị nạn và di tản khắp thế giới cũng tăng gấp đôi, lên 82,4 triệu người. Năm 2020 đã chứng kiến sự gia tăng số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu, sau nhiều năm sụt giảm. Năm ngoái, chi tiêu quân sự của thế giới đã lần đầu tiên vượt mức 2.000 tỉ USD. Báo cáo của SIPRI cũng đề cập đến tình trạng biến đổi khí hậu, khi chỉ ra nhiều thông tin đáng lo ngại. Cụ thể, khoảng ¼ loài trên Trái đất đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, số lượng côn trùng thụ phấn đang giảm nhanh, chất lượng đất suy giảm, trong khi tài nguyên thiên nhiên tiếp tục bị khai thác với mức độ không bền vững.

Đây là lúc cần hành động

Báo cáo được công bố trùng thời điểm khai mạc Diễn đàn về Hòa bình và Phát triển Stockholm thường niên lần thứ 9 và là hồi chuông cảnh tỉnh của SIPRI gửi đến các chính trị gia. Theo SIPRI, chính phủ nhiều nước đã không thừa nhận mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng hoặc chủ động phớt lờ, khiến tình hình càng thêm tồi tệ. Tuy nhiên, chính phủ một số nước muốn hành động, nhưng họ có những ưu tiên khác như đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua và chiến tranh tại Ukraine hiện nay.

SIPRI nhấn mạnh, do không có kế hoạch trên phạm vi toàn cầu, thế giới đang “trượt chân” vào những hiểm họa đan xen kể trên. “Thiên nhiên và hòa bình liên quan mật thiết đến mức cái này bị tàn phá sẽ ảnh hưởng đến cái kia. Hành động là điều khả thi và đây là lúc cần hành động”, Giám đốc SIPRI Dan Smith kêu gọi. Tổ chức này gợi ý rằng thời kỳ rủi ro như thế đòi hỏi những sự hợp tác mới để giải quyết những mối đe dọa chung. Theo đó, các quy trình đưa ra quyết định từ cấp Liên Hiệp Quốc cho đến những dự án đô thị cần có sự tham gia của những người cảm nhận tác động rõ rệt nhất.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Hàn Quốc là tấm gương sáng về cách hành động với tầm nhìn xa. Khi COVID-19 bắt đầu tấn công, nước này đã vận dụng những bài học có được từ đợt bùng phát dịch SARS năm 2002. Đến nay, qua 2 năm chống dịch COVID-19, Hàn Quốc gần như vẫn giữ được tỷ lệ tử vong ở mức rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/10 so với các nước có cùng quy mô dân số. Nhờ vậy, đất nước Đông Bắc Á này cũng đã tránh được nhiều vấn đề về xã hội và kinh tế mà các quốc gia khác vẫn đang phải đối phó.

Chia sẻ bài viết