27/11/2021 - 20:24

Thế giới chạy đua ngăn chặn biến thể Omicron 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26-11 đã đặt lại tên cho biến thể mới B.1.1.529 của SARS-CoV-2 là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể “đáng quan ngại”.

Tuyên bố của WHO nêu rõ: “Dựa trên những bằng chứng cho thấy có sự thay đổi bất lợi trong dịch tễ học về dịch COVID-19... WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại và đặt tên là Omicron”.

 Nam Phi tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em. Ảnh: AP

Sự nguy hiểm của biến thể mới

Biến thể Omicron lần đầu được phát hiện tại Nam Phi và đến nay đã xuất hiện tại Israel, Botswana, Bỉ và Ðặc khu Hành chính Hong Kong. Các trường hợp đầu tiên mắc biến thể Omicron được ghi nhận tại Nam Phi vào ngày 14-11. Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi hôm 25-11 xác nhận biến thể mới đã được phát hiện ở 22 bệnh nhân COVID-19. Trong khi đó, tổng số ca bệnh COVID-19 tại Nam Phi lại tăng mạnh trong nhiều ngày qua, từ mức 273 ca được ghi nhận hôm 16-11 lên hơn 1.200 ca ngày 25-11, trong đó hơn 80% từ tỉnh Gauteng - nơi có thủ đô hành chính Pretoria và đô thị kinh tế lớn Johannesburg.

Các nhà khoa học cho rằng biến thể mới này của SARS-CoV-2 có số lượng đột biến rất lớn và có nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai bằng cách né tránh hệ miễn dịch của cơ thể. Theo Cơ quan Giám sát và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), điểm nổi bật của biến thể Omicron là nó có một lượng lớn các đột biến ở protein gai có thể tạo ra khả năng lây nhiễm mạnh hơn và cũng tác động làm giảm hiệu quả của kháng thể.

Các nhà khoa học Nam Phi hôm 25-11 cho biết họ phát hiện 32 đột biến trong gien protein gai, cấu trúc mà virus sử dụng để xâm nhập vào các tế bào mà chúng tấn công. Neil Ferguson, giám đốc Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC thuộc trường Imperial College London, nhận định lượng đột biến trong protein gai như vậy là “chưa từng có”. “Gien Protein gai nhắm mục tiêu vào phần lớn vaccine. Do đó, có mối lo ngại rằng biến thể này có thể có khả năng thoát khỏi khả năng miễn dịch cao hơn so với các biến thể trước đó”, ông Ferguson cảnh báo.

Lawrence Young, nhà virus học thuộc Trường y Warwick (Anh), đánh giá biến thể Omicron “rất đáng lo” bởi nó bị đột biến nặng chưa từng thấy. “Biến thể này mang một số thay đổi mà chúng ta đã thấy trước đây ở các biến thể khác nhưng không bao giờ cùng có trong một loại virus. Nó cũng có những đột biến mới, có thể lên đến 50 đột biến”, ông Young cho biết. Ðáng chú ý nhất, tiến sĩ Eric Feigl-Ding - nhà dịch tễ học và là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ hôm 26-11 có hàng loạt chia sẻ trên Twitter về sự nguy hiểm tiềm năng của Omicron so với các biến thể trước đây, kể cả biến thể Delta hiện nay. Ông này cảnh báo “biến thể mới có chỉ số làm kinh ngạc lớn nhất từ trước đến nay với khả năng lây lan hơn 500% so với biến thể Delta”.

Nhiều nước cấm đi lại với châu Phi

Hiện Nam Phi đã tiêm chủng đầy đủ cho 35,37% số người trưởng thành và đang gia tăng tốc độ chủng ngừa những ngày gần đây. Trong khi đó, chưa tới 6% số dân châu Phi được tiêm vaccine đầy đủ cùng hàng triệu nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương chỉ được tiêm 1 liều. Thực trạng này có thể làm tăng tốc độ lây lan của Sars-CoV-2, tạo ra nhiều cơ hội hơn để virus Corona phát triển thành một biến thể nguy hiểm. Các nhà sản xuất vaccine như Moderna, AstraZeneca hôm 26-11 đồng loạt thông báo họ đang nghiên cứu tìm hiểu về tác động của biến thể mới đối với vaccine. Nhà sản xuất Johnson & Johnson thì thông báo đang thử nghiệm vaccine chống lại biến thể Omicron.

Trong báo cáo đánh giá về nguy cơ lây lan của biến thể Omicron, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo nguy cơ “từ cao tới rất cao” biến thể Omicron sẽ lan rộng ra châu Âu. Tuy nhiên, ECDC cũng cho biết hiện vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về khả năng lây nhiễm, nguy cơ tái nhiễm, tác động tới hiệu quả vaccine cũng như các đặc tính khác của biến thể mới này. ECDC kêu gọi các nước tiến hành phân tích chuỗi gien và truy vết các ca nhiễm biến thể mới, đồng thời hối thúc người dân tránh du lịch tới các khu vực bị ảnh hưởng.

Slovenia, quốc gia đang nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), thông báo các nước EU đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới khu vực miền Nam châu Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron. Cụ thể, các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng với Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.

Nga cấm công dân cư trú từ 9 nước châu Phi và Hong Kong nhập cảnh. Mỹ cấm đi lại với 8 nước châu Phi. Anh, Canada, Brazil, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Iran, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia, Bahrain, Oman và Jordan cũng có động thái tương tự. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phải hoãn hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần tới do sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm này.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố một số phản ứng từ các nước là không hợp lý và “không khoa học”. Theo ông Phaala, những lệnh cấm đi lại là “một cách tiếp cận sai, với định hướng sai và đi ngược lại các tiêu chuẩn cũng như khuyến nghị của WHO”, đồng thời cảnh báo những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron.

Theo người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier, sẽ mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới. Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về các đột biến và những ảnh hưởng của các đột biến đối với độc lực và khả năng lây lan của biến thể này, cũng như tác động đối với việc chẩn đoán, điều trị và hiệu quả của vaccine.

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết