05/11/2009 - 21:54

Thế giới cần hành động khẩn cấp để nâng cao chất lượng môi trường sống

Cư dân một khu ổ chuột ở Ấn Độ sống nhờ bãi rác điện tử.
 Ảnh: ewasteguide.info

* Nửa tỉ người ở các nước thu nhập thấp phải sống tại các khu ô nhiễm

(TTXVN)- Tại cuộc thảo luận của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Đại hội đồng LHQ khóa 64, nhiều tổ chức quốc tế và các nước đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để nâng cao chất lượng môi trường sống của con người, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và 4 cuộc khủng hoảng về giá lương thực, giá nhiên liệu, kinh tế và tài chính toàn cầu đang diễn ra đồng thời.

Giám đốc chấp hành Chương trình định cư con người của LHQ, Anna Tibaijuka cho biết hiện nay, cứ 3 người dân sống trong thành phố trên thế giới thì có 1 người sống ở các khu ổ chuột và sẽ có thêm 400 triệu người nữa vào năm 2020 nếu không có hành động khẩn cấp để đảo ngược xu thế này và phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu kết hợp với các cuộc khủng hoảng đã đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và tạo ra những thách thức mới. Bà kêu gọi các nước tạo cơ hội để người dân nâng cao nhận thức và đưa ra những ý tưởng về cách thức biến Trái đất thành nơi ở tốt hơn cho con người hiện nay và con cháu của họ sau này.

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức môi trường độc lập Blacksmith (Canada) phối hợp với Hội Chữ thập Xanh của Thuỵ Sĩ công bố ngày 4-11 cho biết hơn 500 triệu người ở các nước thu nhập thấp và trung bình sống tại các khu ô nhiễm đã bị tác động nguy hại về sức khỏe.

Nghiên cứu nhấn mạnh số các khu ô nhiễm ở các nước đang phát triển lên tới hàng chục nghìn địa điểm bao gồm chất thải độc, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt, ô nhiễm do xử lý và luyện thép, sử dụng quay vòng ắc quy ô tô đã qua sử dụng, ô nhiễm do khai thác vàng thủ công… Quy mô tác hại của các khu ô nhiễm này đối với sức khỏe con người tương tự như căn bệnh HIV/AIDS hoặc sốt rét nhưng kinh phí dành để giải quyết vấn đề này không đáng kể, và vấn đề này cũng ít được dư luận quốc tế lưu tâm. Trong số hàng chục nghìn khu ô nhiễm, cho đến nay mới chỉ có 12 khu được khử độc hoàn toàn và được coi là an toàn đối với con người.

Tổ chức môi trường Blacksmith đã điều tra và lập danh sách các khu ô nhiễm ở 80 nước trên thế giới. Tổ chức này sẽ cùng với các đối tác làm sạch 20 địa điểm với kinh phí 30 triệu USD trong 2 năm tới.

Chia sẻ bài viết