21/10/2019 - 13:02

Tham vọng phát triển hệ thống nhận dạng của Ấn Độ 

Ấn Độ đang có kế hoạch thiết lập một trong những hệ thống nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới, mang lại cơ hội lớn cho các công ty giám sát nhưng có thể là cơn ác mộng đối với những người ủng hộ quyền riêng tư.

Hệ thống nói trên sẽ tập trung dữ liệu nhận dạng khuôn mặt được camera giám sát trên khắp Ấn Độ ghi lại, liên kết với cơ sở dữ liệu chứa thông tin từ hộ chiếu đến dấu vân tay để giúp lực lượng cảnh sát quốc gia Nam Á xác định tội phạm, tìm kiếm những người bị mất tích và thi thể. Hệ thống sẽ cho phép tìm kiếm một người nào đó dựa trên những bức ảnh được đăng trên báo, công chúng gởi hay hình ảnh phác thảo của họa sĩ về kẻ tình nghi tội phạm. Nó cũng sẽ nhận dạng khuôn mặt trên các camera an ninh và đưa ra cảnh báo nếu phát hiện tội phạm.

Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, hệ thống “có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện kết quả” xác định tội phạm, những người mất tích và cả thi thể. Nó cũng sẽ giúp lực lượng cảnh sát “phát hiện ra các hình thức phạm tội” và hỗ trợ phòng chống tội phạm. Được biết, tỷ lệ phạm tội ở Ấn Độ ở mức cao, đặc biệt là tại các khu vực nghèo nằm rải rác ở các trung tâm đô thị. Trong năm 2016, có 709 vụ/100.000 dân ở 19 thành phố lớn của Ấn Độ, so với mức trung bình cả nước là 379 vụ. Đáng báo động là Ấn Độ đã hứng hơn 100 vụ tấn công khủng bố trong 3 thập kỷ qua, gồm vụ tấn công khủng bố năm 2008 ở thành phố Mumbai, khiến 166 người thiệt mạng.

Với hệ thống nhận dạng khuôn mặt mới, lực lượng an ninh Ấn Độ sẽ được trang bị các thiết bị di động cầm tay cho phép họ chụp khuôn mặt của những người bị tình nghi và tìm kiếm khuôn mặt đó ngay lập tức dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua một ứng dụng chuyên dụng. Chính phủ Ấn Độ trong một tuyên bố cho biết, hệ thống được tạo ra nhằm hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát ít ỏi của nước này, với chỉ 144 cảnh sát/100.000 dân, so với 318 cảnh sát/100.000 dân tại châu Âu.

Giới phân tích cho rằng kế hoạch trên sẽ mang đến nhiều lợi ích cho các công ty giám sát. Công ty nghiên cứu thị trường TechSci ước tính, thị trường nhận dạng khuôn mặt của Ấn Độ sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2024, đạt mức 4,3 tỉ USD, có thể sánh ngang với Trung Quốc. Song, các chuyên gia lo ngại liệu Ấn Độ có thể thực hiện được dự án đầy tham vọng này trong thời gian ngắn hay không khi mà nó sẽ được ra mắt trong vòng chưa đầy 8 tháng sau khi hợp đồng xây dựng được ký kết. “Khung thời gian xây dựng thực tế sẽ từ 12-18 tháng” - Sivarama Krishnan, giám đốc an ninh mạng tại công ty kiểm toán PwC, cho hay, đồng thời nhận định rằng dự án đang đối mặt với “thách thức về mặt công nghệ”.

Lắp đặt camera tại New Delhi. Ảnh: CNN

Và việc lắp đặt hệ thống camera giám sát trên khắp Ấn Độ, đặc biệt là những camera tiên tiến được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt, sẽ là một thách thức lớn hơn nhiều, bởi Ấn Độ tụt hậu so với các nước khác trong mảng lắp đặt camera an ninh. Thống kê cho thấy, thủ đô New Delhi chỉ có 10 camera giám sát/1.000 dân, so với 113 camera ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và 68 camera ở thủ đô Luân Đôn (Anh). Con số này thấp hơn nhiều ở khu vực nông thôn, nơi có tới 66% dân số Ấn Độ sinh sống.

Đối với những người ủng hộ quyền riêng tư, dự án quả thật là đáng lo ngại. “Ấn Độ không có luật bảo vệ dữ liệu. Nước này cũng không có kế hoạch áp dụng một khung pháp lý cụ thể dành cho hệ thống nhận dạng khuôn mặt mới” - Apar Gupta, giám đốc điều hành Tổ chức Tự do Internet, nói. Ông Gupta lo ngại hệ thống nhận dạng khuôn mặt của Ấn Độ có thể trở thành một công cụ trị an xã hội, được dùng để trừng phạt các hành vi phạm tội nhỏ như xả rác nơi công cộng. Nó thậm chí có thể được liên kết với Aadhaar, cơ sở dữ liệu sinh trắc học của Ấn Độ, chứa thông tin cá nhân của 1,2 tỉ công dân Ấn Độ, nhằm cho phép New Delhi thiết lập “nhà nước giám sát toàn diện, vĩnh viễn”.

Một số người khác thì cho rằng Chính phủ Ấn Độ thiếu minh bạch về mục tiêu của dự án. “Không có cuộc thảo thuận rõ ràng nào về dự án ngoài việc đấu thầu. Thật khó để biết chính phủ thực sự muốn làm gì” - Raman Jit Singh Chima, giám đốc chính sách của tổ chức Access Now, cho biết.

TRÍ VĂN (Theo CNN, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết