18/07/2015 - 09:43

Tham vọng “kinh đô nhân lực thế giới” của Ấn Độ

Hôm 15-7, Thủ tướng Narendra Modi đã phát động chương trình "Sứ mệnh Kỹ năng Ấn Độ", theo đó sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị kỹ năng cho 500 triệu người Ấn Độ trong 7 năm tới, trong nỗ lực biến quốc gia Nam Á này thành "kinh đô nhân lực thế giới".

Ngành công nghiệp và các tập đoàn tại Ấn Độ thường phàn nàn việc nhân công thiếu tay nghề là trở ngại lớn đối với việc sản xuất kinh doanh. Do vậy, Thủ tướng Modi cho rằng chương trình trên là bước đi quan trọng nhằm khắc phục rào cản đó. "Nếu Trung Quốc là nhà máy sản xuất của thế giới thì Ấn Độ phải trở thành kinh đô nhân lực của thế giới… Thế giới cần người có kỹ năng. Ở đó sẽ có một thị trường việc làm to lớn. Chúng ta phải vạch ra những nhu cầu và đào tạo lớp trẻ của chúng ta"- Thủ tướng Modi nói tại buổi lễ phát động có sự tham dự của ít nhất 9 thủ hiến và 14 bộ trưởng cùng một số khách mời nước ngoài.

Thủ tướng Modi (phải) tại lễ phát động "Sứ mệnh Kỹ năng Ấn Độ" hôm 15-7. Ảnh: AFP

Ấn Độ hiện đang thiếu khoảng 110 triệu nhân công ở các lĩnh vực chủ chốt như bán lẻ, dệt may và du lịch. "Với chỉ 2,3% nhân công được đào tạo chính quy, Ấn Độ hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng công nhân được đào tạo bài bản, có kỹ năng"- Bộ trưởng Phát triển kỹ năng và khởi nghiệp Rajiv Pratap Rudy từng chia sẻ với AFP.

Theo đó, chương trình sẽ sử dụng mạng lưới hiện có gồm khoảng 12.000 cơ sở đào tạo công nghiệp cùng với các toa xe lửa không sử dụng, các container để làm phòng học di động tạm thời cho các vùng xa. "Chúng tôi cũng sẽ thành lập một trường đại học đào tạo kỹ năng cụ thể ở mỗi bang và thuê khoảng 60.000 cựu nhân viên quốc phòng để đào tạo thành người hướng dẫn kỹ năng"- ông Rudy nói hôm 15-7. Ông tin tưởng khóa huấn luyện kéo dài 12 tuần sẽ bảo đảm cho học viên một việc làm mà 12 năm đèn sách ở bậc phổ thông và cao đẳng không làm được.

Thủ tướng Modi nhấn mạnh mục đích của chương trình là tạo ra công ăn việc làm, cụ thể cho các khu vực kinh tế yếu hơn, nơi nhiều người thậm chí không hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nói rõ chương trình này là cuộc chiến chống nghèo đói bởi "không dành cho người giàu, mà dành cho người nghèo". Theo tờ Hindustan Times, chỉ có 4,7% trong số 487 triệu nhân công ở Ấn Độ được đào tạo bài bản so với khoảng 60% ở các nước công nghiệp hóa.

Năm ngoái, ông Modi cũng đã phát động chiến dịch Make in India (Hãy sản xuất ở Ấn Độ) nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và đưa Ấn Độ trở thành công xưởng của thế giới.

MINH TÂM (Theo AFP, Hindustan Times)

Chia sẻ bài viết