28/11/2020 - 09:24

Tham vọng khám phá Mặt trăng của UAE 

Tính tới nay, chỉ có 3 quốc gia gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc từng đáp thành công tàu vũ trụ xuống bề mặt Mặt trăng. Giờ đây, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng muốn gia nhập nhóm cường quốc này, khi công bố sứ mệnh khám phá Mặt trăng bằng robot vào năm 2024.

Sau sứ mệnh xe tự hành Rashid, UAE sẽ đưa người lên Mặt trăng. Ảnh: CNN

Sau sứ mệnh xe tự hành Rashid, UAE sẽ đưa người lên Mặt trăng. Ảnh: CNN

Trong sứ mệnh Mặt trăng, UAE sẽ triển khai xe tự hành Rashid, được chế tạo bởi Trung tâm Không gian Mohammed Bin Rashid (MBRSC). Kể từ khi khánh thành năm 2006, MBRSC đã tự thiết kế và phát triển nhiều vệ tinh quay trên quỹ đạo Trái đất, nhưng Rashid là công nghệ tham vọng nhất từ trước đến nay.

Robot Rashid đang ở giai đoạn thiết kế. Các kỹ sư UAE sẽ bắt đầu lắp ráp nó trong năm 2022 trước khi thử nghiệm một năm sau đó. Sở hữu 4 bánh xe và nặng chỉ 10kg, Rashid ít hơn 2 bánh và nhẹ hơn 130kg so với robot Thỏ Ngọc 2 trong sứ mệnh Hằng Nga 4 mà Trung Quốc phóng thành công lên vùng tối của Mặt trăng năm 2019. Thiết bị của UAE sẽ đáp xuống một khu vực trên Mặt trăng chưa từng được khám phá (gần đường xích đạo). “Chúng tôi sẽ cung cấp dữ liệu hình ảnh của bề mặt khu vực đó lần đầu tiên và các nhà khoa học trên thế giới có thể nghiên cứu chúng”, Adnan Al Rais tại MBRSC thông báo. Để làm được điều này, các kỹ sư MBRSC sẽ trang bị cho Rashid 2 camera độ phân giải cao, 1 camera kính hiển vi để ghi lại những chi tiết nhỏ và camera ảnh nhiệt. Ngoài ra, robot cũng mang theo thiết bị Langmuir để nghiên cứu plasma, một lớp khí gas phủ lên bề mặt Mặt trăng. Nhiệm vụ này có thể giúp lý giải tại sao bụi Mặt trăng lại rất bám dính và đây là trở ngại lớn cho các sứ mệnh Apollo của Mỹ trước đây cũng như trong tương lai. Cơ quan Không gian UAE cũng hy vọng dữ liệu thu thập được từ sứ mệnh 2024 sẽ giúp xây dựng một trạm nghiên cứu trên Mặt trăng cũng như giải mã những bí ẩn liên quan đến sự hình thành hệ Mặt trời.

Tuy nhiên, UAE dự định không tự chế tạo tàu đổ bộ cho sứ mệnh trên mà sẽ tìm kiếm đối tác, có thể là Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hoặc những tổ chức khác. Lựa chọn tàu đổ bộ nhiều khả năng cũng quyết định cả tên lửa và địa điểm phóng, bởi quốc gia giàu dầu mỏ này không có bãi phóng. Những năm gần đây, UAE phóng tàu vũ trụ trên đất Nga và Nhật Bản. Đơn cử như tàu Hope được phóng ở Trung tâm Không gian Tanegashima của Nhật Bản hồi cuối tháng 7 vừa rồi. Đó là sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của UAE trong nỗ lực phát triển năng lực khoa học và công nghệ cũng như giảm phụ thuộc kinh tế vào dầu mỏ.

So với Hỏa tinh, Mặt trăng đón tiếp số lượng thiết bị tự hành ít hơn, nhưng những phát hiện gần đây về trữ lượng nước trên “chị Hằng” và viễn cảnh tiến hành các hoạt động khai khoáng trong tương lai đã mở ra cuộc đua mới. Nhiều quốc gia, bao gồm Anh, Nga và Nhật Bản, cũng đã có kế hoạch đưa tàu thăm dò lên hành tinh cách Trái đất hơn 386.000km trong vài năm tới. NASA thì dự tính phóng tàu thăm dò VIPER trị giá 250 triệu USD để tìm kiếm nước đóng băng trên cực Nam Mặt trăng sớm hơn sứ mệnh của UAE một năm.

Nhiệm vụ Mặt trăng 2024 nếu thành công sẽ đưa UAE vào danh sách các nước từng đổ bộ tàu thăm dò xuống đây. Mỹ, Nga và Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 44 sứ mệnh tiếp đất Mặt trăng, nhưng chỉ 20 lần thành công.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết