08/04/2021 - 09:21

Tẩy chay phương Tây, nhiều thương hiệu Trung Quốc hưởng lợi 

Các thương hiệu của phương Tây như nhà bán lẻ quần áo thời trang H&M (Thụy Ðiển), các công ty thời trang thể thao Nike (Mỹ) hay Adidas (Ðức)... đang phải chịu nhiều áp lực tại Trung Quốc sau tuyên bố ngừng dùng bông được sản xuất ở khu tự trị Tân Cương do “lo ngại sâu sắc về những cáo buộc cưỡng ép lao động, vi phạm nhân quyền và phân biệt đối xử các nhóm sắc tộc tôn giáo thiểu số” tại đây.

Một cửa hàng của H&M ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Đồng loạt bị tẩy chay

Trong khi khách hàng Trung Quốc tuyên bố tẩy chay các thương hiệu trên, những người nổi tiếng cũng thông báo ngừng hợp tác. Từ hôm 24-3, nhiều sao Hoa ngữ như Hoàng Hiên, Tống Thiến cho biết ngừng hợp tác với H&M. Phòng làm việc của Hoàng Hiên cho hay đã chấm dứt hợp đồng với H&M. Nam diễn viên cực lực phản đối “sự vu khống và tung tin đồn” của thương hiệu Thụy Ðiển về tình trạng lao động ở Tân Cương hay “bất kỳ nỗ lực nào làm mất uy tín của đất nước”. Tống Thiến cũng nhanh chóng “phủi sạch” quan hệ với H&M. Nữ ca sĩ kiêm diễn viên khẳng định “lợi ích quốc gia là trên hết”.

Ngay sau đó, ít nhất 3 nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đã xóa H&M khỏi thanh công cụ tìm kiếm, cũng như rút toàn bộ hàng hóa của nhãn hàng này. Hashtag “Tôi ủng hộ bông Tân Cương” đang là chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo với hơn 1,8 tỉ lượt xem. Ðài truyền hình CCTV chỉ trích H&M đã có “một nước đi sai lầm khi cố gắng đóng vai anh hùng chính nghĩa” và mỉa mai H&M chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động này.

Nike cũng rơi vào cảnh tương tự. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc tổ chức Sáng kiến ​​bông tốt hơn (BCI) tạm thời ngừng cấp chứng nhận bông Tân Cương do gặp khó khăn trong việc kiểm tra hàng hóa. Ðiều này có nghĩa là tất cả các thành viên của BCI bao gồm Nike, Converse, Fila, Puma, New Balance, Uniqlo, Adidas, Burberry… đều sẽ không sử dụng loại bông này.

Mỹ đã lên án “chiến dịch truyền thông do nhà nước lãnh đạo” tại Trung Quốc nhằm vào các công ty xứ cờ hoa và quốc tế khác vì không dùng bông Tân Cương, sau khi có các cáo buộc cưỡng bức lao động ở khu vực này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nói: “Chúng tôi tuyên dương và sát cánh cùng các công ty tuân thủ luật pháp Mỹ, đảm bảo các sản phẩm chúng ta đang tiêu thụ không phải do lực lượng lao động bị cưỡng bức làm ra”. Bà Porter nói thêm rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn đảm bảo các công ty Mỹ tuân thủ luật pháp Mỹ, “không hỗ trợ cưỡng bức lao động dưới bất kỳ hình thức nào”.

Công ty địa phương hưởng lợi

Các thương hiệu trên cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ một loạt các đối thủ Trung Quốc, vốn đang nhắm vào giới trẻ nước này. Trong khi HeyTea, công ty khởi nghiệp trà sữa trị giá 2 tỉ USD với 700 cửa hàng, muốn thay thế đế chế cà phê Starbucks (Mỹ),  Yuanqisenlin, công ty đồ uống ít đường trị giá 6 tỉ USD, muốn trở thành hãng nước giải khát Coca-Cola của Trung Quốc. Còn công ty 5 năm tuổi Ubras thì muốn thay thế nhà bán lẻ nội y lớn nhất của Mỹ Victoria’s Secret.

Sự quay lưng của các thương hiệu phương Tây đối với bông vải Tân Cương đã tạo cơ hội cho các thương hiệu Trung Quốc lấy lòng người tiêu dùng trong nước. Khi những người nổi tiếng tuyên bố cắt đứt quan hệ với các thương hiệu nước ngoài, Li-Ning - “gã khổng lồ” trong lĩnh vực đồ thể thao Trung Quốc - thông báo rằng Xiao Zhan, thành viên một nhóm nhạc nam, trở thành đại sứ toàn cầu mới của hãng này. Chỉ trong vòng 20 phút, hầu hết mọi thứ mà Xiao mặc trên người trong một quảng cáo của Li-Ning đều đã cháy hàng. Chiến dịch quảng cáo gắn hashtag tên công ty được xem hơn 1 tỉ lần.

Thật ra, Trung Quốc đang trải qua cuộc cách mạng về thương hiệu tiêu dùng. Thế hệ trẻ nước này có tinh thần dân tộc cao hơn và tích cực tìm kiếm các thương hiệu có thể phù hợp với bản sắc dân tộc Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp đang gấp rút xây dựng tên tuổi và tạo ra các sản phẩm gây tiếng vang, trong khi các nhà đầu tư đang nhắm mục tiêu vào các công ty khởi nghiệp như HeyTea trong bối cảnh lợi nhuận từ các dự án công nghệ và truyền thông giảm. Và khi lòng yêu nước trở thành “vũ khí bán hàng”, các thương hiệu phương Tây sẽ bị đặt vào thế bất lợi.

Các “đại gia” điện tử Hàn Quốc khởi sắc trong quý đầu năm

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong quý vừa qua, “đại gia” điện tử Samsung của Hàn Quốc đã đạt doanh thu 65.000 tỉ won (58,2 tỉ USD), tăng 17,48% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của công ty đạt 9.300 tỉ won (8,3 tỉ USD), tăng 44,19%.

Trong khi đó, Tập đoàn LG cũng ghi nhận lợi nhuận kinh doanh theo quý cao kỷ lục, vượt xa dự báo của thị trường. Trong quý I/2021, doanh thu của LG đạt 18.800 tỉ won (16,8 tỉ USD), lợi nhuận đạt 1.500 tỉ won (1,3 tỉ USD), đều là mức cao kỷ lục xét theo quý, bất chấp thâm hụt trong mảng điện thoại di động mà LG đã quyết định rút lui.

TRÍ VĂN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết