06/12/2017 - 21:03

Huyện Thới Lai

Tập trung bảo vệ, sản xuất thắng lợi lúa đông xuân 

Bảo vệ tốt vụ đông xuân 2017-2018; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển cánh đồng lớn, lúa chất lượng cao... là mục tiêu mà ngành nông nghiệp huyện Thới Lai hướng đến trong vụ sản xuất lúa quan trọng này. Lịch gieo sạ lúa đông xuân trên địa bàn huyện đang bắt đầu, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Ngành nông nghiệp huyện Thới Lai tổ chức hội thảo đầu bờ tại ruộng lúa thu đông 2017 áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” để bà con nông dân học tập, nhân rộng mô hình trong vụ đông xuân 2017-2018. Ảnh: HÀ VĂN

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Lai, dựa vào tình hình rầy nâu di trú, chế độ thủy văn trên địa bàn, ngành nông nghiệp huyện Thới Lai bố trí lịch thời vụ xuống giống đông xuân 2017-2018, gồm 2 đợt chính. Đợt 1 từ ngày 23 đến 29-11-2017;  đợt 2 từ ngày 9 đến ngày 15-12-2017 (đợt chính). Đây là thời điểm xuống giống đảm bảo an toàn, tập trung, đồng loạt và né được rầy... Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, cho biết: “Hiện ngành nông nghiệp huyện đang theo dõi tình hình nước lũ để thông báo đến từng xã, thị trấn xuống giống cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhất là các đợt triều cường lên cao vào giữa tháng 10 âm lịch. Đồng thời, ngành cũng tích cực vận động nông dân đảm bảo thời gian ngăn cách giữa hai vụ lúa (thu đông và đông xuân) tối thiểu 3 tuần và tuân thủ theo nguyên tắc gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, nhằm tránh tác hại do rầy, sâu bệnh xuất hiện, phá hại...”.

Tại các xã, thị trấn, cán bộ khuyến nông địa phương cũng đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tránh tư tưởng chủ quan, gieo sạ lúa đông xuân không tập trung theo lịch khuyến cáo. Trong đó quan tâm vận động nông dân tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy, không gieo sạ trước khi rầy di trú đến, không gieo sạ rải rác để tránh tình trạng có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng, tạo điều kiện cho rầy nâu, dịch bệnh có nơi lưu trú, phá hại. Ông Võ Thanh Hòa, ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: “Theo khyến cáo của ngành nông nghiệp, thời gian xuống giống mỗi đợt tập trung từ 5 đến 7 ngày, do đó, gia đình tôi cũng như bà con nông dân tại địa phương tập trung làm đất, vệ sinh đồng ruộng để kịp xuống giống. Canh tác lúa trong thời kỳ biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, chúng tôi phải dựa vào khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật canh tác của ngành chức năng mới thu được năng suất cao”.

Vụ lúa đông xuân 2017-2018, toàn huyện gieo sạ với diện tích trên 19.000 ha, năng suất bình quân ước khoảng 6,52 tấn đến 7 tấn/ha, sản lượng lúa ước đạt từ 123.880 tấn đến 133.000 tấn. Trong đó, toàn huyện tập trung sản xuất lúa chất lượng cao với khoảng 13.300 ha, chiếm tỷ lệ 70% diện tích lúa đông xuân 2017-2018. Mô hình “Cánh đồng lớn” cũng được địa phương tập trung xây dựng với diện tích dự kiến 9.850 ha, tăng 3.145,7 ha so với năm 2017. Mô hình cánh đồng lúa sạch, dự kiến xây dựng với diện tích 1.056 ha, đạt tiêu chuẩn an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định... Bà Phạm Thị Ngọc Bích cho biết thêm: “Vụ đông xuân năm nay, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân sản xuất giống lúa xác nhận, có tính chống chịu với rầy nâu, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, tình hình thời tiết tại địa phương và có phẩm chất gạo tốt theo khuyến cáo, theo nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp. Giống chủ lực trong vụ đông xuân này, gồm: Jasmine 85, OM 4218, OM 5451, OM 2517, OM 7347...”.

Để vụ mùa đông xuân 2017-2018 đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp huyện Thới Lai còn tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng một cách đồng bộ trên diện rộng: cày xới hoặc trục nhận toàn bộ rạ của lúa vụ 3 (lúa thu đông) ngay sau khi thu hoạch, không để lúa tái sinh (lúa chét) nhằm cắt triệt để chuỗi thức ăn của sâu rầy, giảm đến mức thấp nhất tác nhân gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lúa von... trên cây lúa. Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: “Theo khuyến cáo này, ngay sau khi thu hoạch lúa thu đông, tôi trục trạc gốc rạ, cho nước vào ruộng lúa, hứng lấy phù sa, bồi đắp dinh dưỡng cho đất. Năm nay, nước lũ về nhiều, đồng ruộng đầy ắp phù sa, hy vọng vụ sản xuất đông xuân gặp thắng lợi lớn...”.

Trước khi xuống giống lúa đông xuân 2017-2018, ngành nông nghiệp huyện Thới Lai còn chỉ đạo Trạm khuyến nông phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tổ chức tập huấn cho các xã, ấp và nông dân kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, các biện pháp phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh lúa von và các loại dịch hại khác; tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch hại; xây dựng tổ liên kết sản xuất nhằm thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm... Bà Phạm Thị Ngọc Bích cho biết: “Ngành đã tích cực vận động các đơn vị bao tiêu nông sản trong vụ đông xuân này. Trong đó, huyện tập trung vào các đơn vị đã tham gia từ những vụ trước, như: Công ty Hoàng Minh Nhật, Gentraco, Hiệp Lợi, Vinacam, Công ty Chế biến gạo xuất khẩu Thới Thạnh, Lương thực Sông Hậu, Viện Lúa ĐBSCL, Công ty Thạnh Thắng... Ngoài ra, kêu gọi các đơn vị khác liên kết sản xuất với nông dân, nhằm đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao hơn…”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết