13/02/2024 - 09:34

Tạo bước đột phá phát triển ngành công nghệ sinh học 

Ngành công nghệ sinh học nước ta đã có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lĩnh vực công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

*Xác định rõ hạn chế

Phát triển công nghệ sinh học đã và đang là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân. Nếu tính từ văn bản đầu tiên về công nghệ sinh học: Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới cùng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này như một “làn gió mới” cho một trong những đột phá quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, dấy lên hy vọng về việc tháo gỡ triệt để những “điểm nghẽn” về phát triển công nghệ sinh học.

Đánh giá về lĩnh vực công nghệ sinh học của Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ nhiệm Chương trình KC.12/2021-2030 về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học 2021-2030 cho rằng, với khoản đầu tư không nhiều, Việt Nam đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong những lĩnh vực quan trọng của đất nước như: Nông, lâm, ngư nghiệp, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường... Công nghiệp sinh học trên toàn quốc đã có nền móng từ nhân giống, chọn tạo giống, công nghệ tế bào, sinh học phân tử, sản xuất vaccine thú y, sản xuất các chế phẩm sinh học cho chăm sóc, bảo vệ cây trồng và vật nuôi.

Công nghệ sinh học đã và đang đóng góp cho sản xuất trên đồng ruộng, trang trại của nông dân, doanh nghiệp; bám sát các nhu cầu của sản xuất và có đóng góp lớn cho sản xuất. Công nghệ sinh học đã được ứng dụng rộng khắp cho hầu hết các đối tượng quan trọng và ở hầu hết các cơ sở nghiên cứu và phát triển ở các mức độ khác nhau; trong một số lĩnh vực đã tiếp cận được các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến của thế giới. “So với kinh phí đầu tư thì có thể nói thành tựu của công nghệ sinh học của Việt Nam khó nước nào có thể lặp lại”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Huy Hàm khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Huy Hàm nhận định, nền công nghệ sinh học nước nhà còn xa với nhu cầu phát triển của đất nước và tiềm năng đóng góp của ngành này. Hiện ngành công nghệ sinh học chưa tạo ra các thành công từ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ cao. Chỉ các công nghệ tầm phổ thông như cấy mô, chế phẩm vi sinh, chỉ thị phân tử.... được ứng dụng thành công. Hơn nữa, việc hợp tác liên kết còn yếu, nhất là hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực, giữa viện - trường - doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự tham gia của doanh nghiệp còn lẻ tẻ, thiếu vắng đầu tư của doanh nghiệp. Sự tham gia của doanh nghiệp vẫn chủ yếu nhắm tới tận dụng vốn của các chương trình khoa học và công nghệ, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng. Cơ chế, nhân lực, nguồn kinh phí vẫn luôn là vấn đề lớn của khoa học và công nghệ nói chung, công nghệ sinh học nói riêng... Phát triển công nghệ sinh học còn chưa đồng đều theo vùng miền, tập trung phần lớn ở phía Bắc.

Hiện nay, sự đóng góp sản phẩm ứng dụng của một số nhóm cán bộ khoa học lớn có trình độ cao còn khiêm tốn; thiếu nguồn lực công nghệ cao, thiếu cán bộ đầu ngành. Hệ thống quy chế cho sản phẩm mới tạo ra từ công nghệ sinh học chưa bắt kịp nhu cầu, do đó không thúc đẩy được nghiên cứu.

*Mở ra triển vọng phát triển

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến công nghệ sinh học; trong đó, trọng tâm là 3 chương trình quốc gia KC.10/2021-2030, KC.11/2021-2030 và KC.12/2021-2030.

Công ty Life Sciences giới thiệu thiết bị phục vụ giải pháp đếm tế bào dòng chảy đến các đại biểu.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các Nghị quyết của Tỉnh ủy tổ chức triển khai với nhiều mục tiêu rất cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. “Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao sự chủ động của các tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế trong triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW. Đây là động lực và là nguồn lực quan trọng để triển khai thắng lợi Nghị quyết 36-NQ/TW”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp các ý kiến để tổ chức triển khai hiệu quả 3 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong giai đoạn tới, trong đó lưu ý việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc điều phối các nhiệm vụ trong từng chương trình nhằm bảo đảm không trùng về nội dung nghiên cứu, đồng thời tạo cơ chế để các chương trình thường xuyên trao đổi các kết quả nghiên cứu.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các Ban Chủ nhiệm chương trình cần chủ động phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gửi các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ để không ngừng hoàn thiện pháp luật về khoa học và công nghệ, tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Nghị quyết 36 đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP... Đây là mục tiêu lớn, nhiều thách thức, đòi hỏi sự tăng tốc, đột phá về cơ chế chính sách, thu hút nhân lực chất lượng cao và một chiến lược dài hơi.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến những thay đổi sâu sắc đối với các lĩnh vực, trong đó có công nghệ sinh học. Trên nền tảng những công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành công nghệ sinh học của Việt Nam bước đầu đã có những bước tiến quan trọng, mở ra nhiều triển vọng phát triển mới... Với những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, ngành công nghệ sinh học sẽ tăng tốc và cất cánh trong tương lai không xa.

Thu Phương  (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết