11/03/2012 - 21:40

Tăng giá dịch vụ y tế – Kỳ vọng vào chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn

Liên Bộ Y tế- Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BCT về việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh (Thông tư liên tịch 04). Theo đó, từ ngày 15-4-2012, có khoảng 450 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng theo khung giá mới. Theo lý giải của các ngành chức năng, tăng giá dịch vụ y tế giúp các bệnh viện có kinh phí để triển khai việc khám chữa bệnh theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

Người dân kỳ vọng song song với tăng giá dịch vụ, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cũng sẽ được nâng lên…

Từ ngày 15-4-2012 có khoảng 450 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh khung giá mới. 

Theo Thông tư liên tịch số 04, dự kiến các loại dịch vụ y tế như: dịch vụ khám chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh, dịch vụ kỹ thuật... có mức tăng từ 5 đến trên 20 lần so với mức giá quy định năm 1995. Trước đây, giá giường bệnh chỉ từ 1.500-10.000 đồng/ngày, nay tăng lên từ 20.000-80.000 đồng/ngày, mổ ruột thừa từ 300.000-400.000/ca đồng tăng lên 1 triệu đồng/ca, phẫu thuật cắt Amidan từ 500.000 đồng tăng lên 1 triệu đồng, dịch vụ sinh thường tăng gần 600.000 đồng/ca... Theo các bệnh viện, giá dịch vụ y tế trước nay chỉ là bù đắp được chi phí bệnh viện chi ra nên việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không chỉ giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn triển khai một số dịch vụ mới.

Theo các chuyên gia Bộ Y tế, việc tăng giá khoảng 450 dịch vụ y tế được tính toán hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người có thu nhập trung bình vẫn đảm bảo giá dịch vụ, tính đúng và tính đủ chi phí dịch vụ y tế. Tuy nhiên, việc tăng giá này chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân. Chị Huỳnh Kim Tiến, phường An Thới, quận Ninh Kiều, cho biết: “Vợ chồng tôi đều là công nhân. Mỗi tháng thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người. Tôi đang điều trị bệnh u xơ tử cung, chỉ tính chi phí làm phẫu thuật đã là 1 triệu đồng/ca, chưa kể phí giường bệnh, tiền thuốc... trong thời gian theo dõi và điều trị bệnh tại bệnh viện. Đây là số tiền không nhỏ đối với những hộ gia đình công nhân”. Tuy nhiên, với tình trạng nhiều bệnh viện quá tải, thời gian chờ đợi khám chữa bệnh lâu, tình trạng nhiều cơ sở y tế xuống cấp... là nỗi ám ảnh lớn của nhiều người. Vì vậy, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ là áp lực nhưng phần lớn người dân đều kỳ vọng vào việc nâng cao chất lượng khám, điều trị của các cơ sở y tế. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, ngụ đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Ba tôi đang điều trị bệnh tiểu đường. Chi phí điều trị khoảng 1,5 triệu đồng/tuần, bao gồm: tiền điều trị viêm loét, tiền giường bệnh, tiền thuốc... Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, gia đình tôi phải trả thêm khoản chi phí cho việc điều trị. Tôi hy vọng, chất lượng dịch vụ sẽ đi kèm với việc tăng giá dịch vụ sắp tới”.

Ông Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Việc Bộ Y tế tăng giá dịch vụ y tế là cần thiết và phù hợp với thực tế. Bởi từ đây, bệnh viện sẽ có thêm nguồn kinh phí để mua các thiết bị điều trị, tăng cường dịch vụ kỹ thuật cao... để phục vụ và điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Đồng thời, bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng cao và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã và đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mua sắm trang thiết bị hiện đại: máy siêu âm màu, siêu âm 3 chiều và 4 chiều, máy CT Scanner kỹ thuật số... để phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện còn đầu tư xây dựng và mở rộng các khu dịch vụ khám chữa bệnh như: khu dịch vụ sản, khu thụ tinh trong ống nghiệm, khu lọc thận nhân tạo... để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân.

Ngày 1-3-2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo và có hiệu lực từ 15-4-2012. Theo đó, đối tượng được hưởng chế độ khám, chữa bệnh theo Quyết định này gồm: người thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Chính phủ; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước. Đặc biệt, theo Quyết định, các đối tượng mắc bệnh ung thư, các bệnh hiểm nghèo khác gặp khó khăn không đủ khả năng chi trả viện phí cũng được hỗ trợ thanh toán một phần viện phí đối với người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế Nhà nước từ 1 triệu đồng trở lên. Trường hợp người bệnh tự lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh thì thanh toán theo quy định hiện hành...

Còn hơn tháng nữa việc tăng phí dịch vụ y tế chính thức được áp dụng. Hy vọng rằng, cùng với việc sửa đổi một số quy định về khám chữa bệnh cho người nghèo, các ngành hữu quan cần có những hỗ trợ, trợ lực khác giúp người có thu nhập thấp được chăm sóc sức khỏe tốt hơn khi đến các cơ sở y tế...

Bài, ảnh: M. HOA

Chia sẻ bài viết