24/06/2024 - 08:31

Tân Tổng Thư ký NATO với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 

Vào đầu tháng 7 tới, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Hội nghị thượng đỉnh ở Mỹ sẽ bầu ra tổng thư ký mới thay thế cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg, nhân vật đã ở vị trí này 10 năm và 4 lần được gia hạn vì tìm không ra người kế nhiệm.

Hai ông Donald Trump (phải) và Mark Rutte gặp nhau năm 2019. Ảnh: AP

Cuối tuần rồi, rào cản cuối cùng trên đường đến Brussels của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Hà Lan Mark Rutte đã được dỡ bỏ khi Tổng thống Romania Klaus Iohannis tuyên bố rút khỏi cuộc đua bởi vì quốc gia thành viên NATO duy nhất ủng hộ ông là Hungary thay đổi quan điểm, quay sang hậu thuẫn ông Rutte.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, NATO coi như đã thống nhất về người sẽ thay thế Tổng Thư ký Stoltenberg lãnh đạo liên minh khi ông Rutte giành được đề cử của tất cả 32 quốc gia thành viên. Nếu không có gì thay đổi, chính trị gia trung hữu 57 tuổi sẽ chính thức đảm nhận vai trò dẫn dắt NATO kể từ ngày 2-10-2024.

Tuy nhiên, trong nội bộ NATO cũng có luồng quan điểm phản đối ông Rutte. “Tôi không ủng hộ ông ấy”, Richard Grenell, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ và là bạn thân của cựu Tổng thống Donald Trump, nói thẳng thừng.

“Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2025 sẽ chọn Tổng Thư ký NATO khác”, Grenell ám chỉ việc ông Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay và nhậm chức vào tháng 1 năm tới.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump từng không tiếc lời chê bai NATO và dọa rút Mỹ khỏi liên minh quân sự này dù Tổng Thư ký Stoltenberg hết sức nỗ lực để ông chủ Nhà Trắng “tử tế” với liên minh, theo Ivo Daalder - đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống Barack Obama. Trong chiến dịch tranh cử gần đây, ông Trump lại dọa rằng nếu tái đắc cử sẽ không bảo vệ các thành viên NATO không chi đủ 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, thậm chí “khuyến khích Nga muốn làm gì thì làm”.

“Tôi nghĩ rằng quan hệ giữa ông Trump với NATO, bao gồm với tổng thư ký, sẽ tệ hơn rất nhiều trong nhiệm kỳ hai (của ông ấy) so với nhiệm kỳ đầu”, chuyên gia Daalder nhận định.

Theo Kay Bailey Hutchison, đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống Trump, tỉ phú New York chỉ nghe theo các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng; quan hệ giữa ông với NATO được quyết định bởi ai sẽ được bổ nhiệm vào vị trí đó. “Không may” cho ông Rutte, nếu thắng cử, ông Trump nhiều khả năng sẽ bổ nhiệm các nhân vật hoài nghi NATO vào các chức vụ an ninh quốc gia, theo cựu đại sứ Daalder.

Tờ Politico cũng nhận định tính cách của ông Rutte, người nổi tiếng thực dụng và khả năng xây dựng các liên minh, phù hợp để làm việc với Tổng thống Joe Biden hơn là với ông Trump.

Mỹ là quốc gia trọng yếu trong NATO, chiếm 2/3 chi tiêu quân sự của cả khối.

QUỐC KHÁNH

 

Chia sẻ bài viết