30/10/2012 - 20:44

Tầm soát ung thư vú và cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung ( UTCTC) và ung thư vú (UTV) là hai căn bệnh ung thư phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người phụ nữ vẫn duy trì cuộc sống, đảm bảo sức khỏe.

Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ:
Tầm soát ung thư cổ tử cung - phòng bệnh hơn chữa bệnh

Nguyên nhân gây UTCTC là do vi rút HPV. Hiện nay, có nhiều phương pháp tầm soát (sàng lọc) UTCTC như thực hiện kỹ thuật VIA, thực hiện PAP, áp lạnh, khoét chóp, sinh thiết… tùy theo từng giai đoạn bệnh. Kỹ thuật VIA có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào: khi bệnh nhân đang trong chu kỳ kinh nguyệt, mới giao hợp, có thai, đang viêm nhiễm, sau sanh, sau hút nạo thai… kỹ thuật này đơn giản vì chỉ cần lau sạch cổ tử cung, sau đó bôi dung dịch acid acetic 3-5% và quan sát 1 phút sau, dưới nguồn sáng tốt là có kết quả. Thêm vào đó, VIA cũng có thể thực hiện lặp lại nhiều lần, giá thành rẻ, không đòi hỏi trang bị phức tạp, bất cứ nữ hộ sinh ở trạm y tế nào cũng thực hiện được. VIA được xem là một kỹ thuật thích hợp để sàng lọc UTCTC tại cộng đồng. Thời gian qua, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ đã thường xuyên mở các lớp đào tạo, nhân rộng mô hình sàng lọc UTCTC bằng kỹ thuật VIA ở TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Bên cạnh kỹ thuật VIA, người ta còn tiến hành xét nghiệm Pap (Pap smear) dùng để tìm kiếm các biến đổi bất thường của tế bào ở cổ tử cung. Nếu các biến đổi này được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể ngừa được bệnh UTCTC. Phụ nữ nên thử Pap ít nhất 3 năm một lần kể từ năm 21 tuổi. Đối với chị em phụ nữ sinh hoạt tình dục trước năm 21 tuổi nên xét nghiệm UTCTC khoảng 3 năm sau lần sinh hoạt tình dục đầu tiên. Thời điểm thích hợp nhất để làm xét nghiệm Pap là từ 10 tới 20 ngày sau ngày đầu có kinh nguyệt. Khoảng 2 ngày trước khi thử Pap, chị em không nên bơm rửa âm đạo hay đặt thuốc và không nên sinh hoạt tình dục vì có thể dẫn đến kết quả không rõ ràng.

UTCTC không xảy ra đột ngột mà âm thầm nhiều năm từ nhiễm HPV đến những bất thường ở cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư. Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó nhiều người không nhận biết mình mắc bệnh, nếu không đi khám phụ khoa, tầm soát UTCTC. Hiện nay, phần lớn phụ nữ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tầm soát các bệnh lý phụ khoa do tâm lý e ngại cũng như chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tầm soát UTCTC. Ngoài ra, tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa HPV cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh này, giúp làm giảm nguy cơ UTCTC.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Qui, Phó Giám đốc Bệnh viện
Ung bướu TP Cần Thơ:
Phát hiện càng sớm, khả năng khỏi bệnh càng cao

Trong số các loại UT thường gặp ở nữ, UTV chiếm tới 35%. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì khả năng khỏi bệnh càng cao. Nếu phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn zero, chưa xâm lấn) thì tỷ lệ sống thêm sau 5 năm là 100%. Tỷ lệ này giảm xuống 95%, nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn I (đường kính khối u dưới 2cm, hạch bạch huyết vùng nách chưa bị ảnh hưởng, chưa có dấu hiệu di căn); giảm xuống 80% ở giai đoạn II (đường kính khối u 2-5cm, hạch nách bị ảnh hưởng, chưa có dấu hiệu di căn); 72% ở giai đoạn III (đường kính khối u trên 5cm, hạch nách bị ảnh hưởng nhưng chưa di căn ra ngoài phạm vi vú và hạch nách) và đến giai đoạn IV chỉ còn 25%. UTV chủ yếu ở nữ giới, nam giới ít gặp. Hiện nay, phổ biến là 3 phương pháp để phát hiện UTV. Thứ nhất, phương pháp không tốn tiền, nếu thực hiện đúng có thể giúp phát hiện sớm các khối u ở vú là tự khám vú (nếu phụ nữ từ 20 tuổi trở lên hàng tháng khám sau khi sạch kinh 5 ngày). Thứ hai là khám vú tại cơ sở y tế chuyên khoa. Nếu 30 tuổi trở lên khám 1-3 năm/lần; nếu từ 40 tuổi trở lên khám mỗi năm/lần. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. Thứ ba là chụp nhũ ảnh (còn gọi là chụp X-Quang tuyến vú) với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên. Chụp X-Quang tuyến vú có thể phát hiện các tổn thương bất thường ngay cả khi chưa sờ thấy khối u.

Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng có chụp nhũ ảnh, một số bệnh viện sử dụng siêu âm để tầm soát. Vừa qua, chúng tôi có tiến hành một nghiên cứu về chẩn đoán cộng đồng sàng lọc phát hiện UTV ở phụ nữ tại TP Cần Thơ năm 2008-2010. Trong tổng số 8.413 phụ nữ từ 30 tuổi trở lên được sàng lọc, phát hiện 2 trường hợp bị UTV. Trong năm 2013, chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đẩy mạnh sàng lọc UTV, UTCTC, UT đại trực tràng và UT hóc miệng.

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh UTV: khối u không đau ở ngực, thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú, núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại; làn da trên núm vú bị sần da cam và dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp; có hạch ở hố nách. Khi có các dấu hiệu trên, chưa hẳn đã bị UTV nhưng chị em cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và chẩn đoán chính xác.

THU SƯƠNG - HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết