Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Syrie hôm 21-8 cảnh báo Mỹ rằng sự can thiệp quân sự vào Syrie có thể dẫn tới sự bất ổn cho cả khu vực.
Nguy cơ bạo lực lan rộng cả Trung Đông
|
Lực lượng nổi dậy chống trả các đợt tấn công của quân Chính phủ Syrie ở vùng al-Jadeida lân cận thành phố chiến lược Aleppo ngày 21-8. Ảnh: AFP |
Phát biểu nói trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington sẽ tính đến việc sử dụng vũ lực nếu chính quyền của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad vượt qua “ranh giới đỏ”, tức triển khai hoặc sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học trong cuộc nội chiến ở nước này.
Mặc dù Phó Thủ tướng Syrie Qadri Jamil coi tuyên bố của ông Obama như “lời đe dọa mang tính tuyên truyền” trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, song ông cũng cho rằng điều đó ám chỉ phương Tây đang tìm một cái cớ để can thiệp quân sự vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này. Đáp lại, ông khẳng định sự can thiệp đó sẽ là “bất khả thi” bởi vì nó sẽ khiến cuộc nội chiến lan rộng sang các nước khác trong khu vực. “Những người suy tính điều này dường như muốn nhìn thấy cuộc khủng hoảng vươn xa khỏi biên giới Syrie”- Phó Thủ tướng Jamil nói với các phóng viên khi đang ở thăm Nga. Ông Jamil đang có chuyến công du lần thứ hai trong vòng hai tuần qua tới Mát-xcơ-va nhằm thúc đẩy một thỏa thuận khung về cung cấp nhiên liệu cũng như các khoản vay và hỗ trợ khẩn cấp từ Nga.
Damas sẵn sàng đối thoại chính trị ngay lập tức với phe đối lập
Cũng trong ngày 21-8, Phó Thủ tướng Jamil bóng gió rằng việc từ chức của Tổng thống al-Assad có thể được xem xét nếu phe đối lập đồng ý đàm phán về một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 17 tháng làm 23.000 người thiệt mạng. Gợi ý này được đưa ra sau khi ông Jamil có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, với chủ đề chính là thảo luận về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Tuy vậy, ông Jamil bác bỏ ý tưởng dùng sự thoái vị của Tổng thống al-Assad làm điều kiện tiên quyết để đàm phán như yêu cầu của lực lượng chống đối cũng như Mỹ và các nước phương Tây. “Việc đổi sự ra đi của ông ấy lấy điều kiện đàm phán đồng nghĩa với việc khép lại cánh cửa đàm phán trước khi nó bắt đầu”- ông Jamil lập luận, nhưng cho biết “trong khi đàm phán, mọi vấn đề đều có thể được thảo luận, kể cả việc từ chức của Tổng thống al-Assad”. Ông cũng tuyên bố chính quyền Damas muốn một cuộc đối thoại “nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc”.
Trong một tuyên bố ngày 21-8, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết Chính phủ Syrie đang chuẩn bị cho một cuộc đối thoại chính trị ngay lập tức với phe đối lập. Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định quan điểm nhất quán của Điện Kremlin là phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Syrie và nhắc lại rằng mong muốn của Nga là giúp chính quyền của Tổng thống al-Assad và lực lượng đối lập đạt được thỏa thuận hòa bình và chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu.
THANH TRÚC (Theo AP, NYTimes, AFP)