12/01/2012 - 14:32

Syrie cam kết thực hiện lộ trình cải cách

Tổng thống al-Assad tuyên bố không từ chức, bất chấp sức ép từ các thế lực bên ngoài và lực lượng đối lập trong nước. Ảnh: SANA

Tổng thống Syrie Bashar al-Assad đã khẳng định chính phủ của ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới vào tháng 3 tới, tiếp theo là cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5. Tuy nhiên, giới cầm quyền Mỹ đã lên tiếng bác bỏ vai trò của Tổng thống al-Assad, thể hiện rõ quyết tâm lật đổ chế độ của ông.

Ngày 10-1, trong bài phát biểu đầu tiên kéo dài 100 phút tại Đại học Damas và được truyền hình trực tiếp kể từ tháng 6-2011, ông al-Assad tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới và tiếp theo là cuộc tổng tuyển cử đa đảng sẽ mở ra chương mới trong nền chính trị của Syrie. Nhà lãnh đạo thừa hưởng hơn 4 thập niên quyền hành của cha mình từ năm 2000 này nhấn mạnh vai trò dẫn dắt đất nước của ông là thể theo sự ủng hộ của nhân dân và ông sẽ ra đi nếu đó là ý nguyện của nhân dân.

“Tôi không phải là một mẫu người chối bỏ trách nhiệm lãnh đạo đất nước”, ông al-Assad phân trần. Tuy nhiên, ông al-Assad tuyên bố mục tiêu ưu tiên của chính quyền Damas hiện nay là khôi phục lại trật tự trị an cho Syrie, tấn công “các phần tử khủng bố” bằng “nắm đấm thép”. Ông khẳng định chính quyền Syrie không ra lệnh cho một ai nổ súng vào bất kỳ công dân nào của mình, mà đó là âm mưu bên ngoài gây ra bạo lực. Nhà lãnh đạo 46 tuổi này cho rằng các thế lực bên ngoài đang rắp tâm tạo ra biến loạn vì không thể tìm kiếm một chỗ dựa để tiến hành lật đổ chế độ tại Syrie.

Phản ứng trước bài phát biểu của Tổng thống al-Assad, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố “ông ấy không đủ tư cách dẫn dắt tiến trình chuyển tiếp dân chủ và cải cách chính trị”. Nuland cho rằng ông al-Assad chưa thực hiện các cam kết với Liên đoàn A-rập (AL) và đang “muốn đánh lạc hướng sự chú ý của người dân khỏi các vấn đề thực sự”. Bà cáo buộc Tổng thống al-Assad phủ nhận trách nhiệm của ông đối với hành vi bạo lực của lực lượng an ninh Syrie bất chấp sự có mặt của các quan sát viên AL. Tại cuộc họp Hội đồng bảo an LHQ, đại sứ Mỹ Susan Rice tố cáo chính quyền Damas “gia tăng hoạt động sát hại các nhà hoạt động dân chủ” ngay khi AL gởi quan sát viên tới Syrie và sau đó thoái thác trách nhiệm cho phe đối lập. Bà kêu gọi Nga sớm ủng hộ nghị quyết trừng phạt Damas. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cũng cho rằng Tổng thống al-Assad đang “xa rời thực tế”. Pháp kịch liệt lên án các vụ tấn công nhằm vào quan sát viên AL đồng thời kêu gọi Chính phủ Syrie bảo vệ phái bộ này.

Trong khi đó, Đại sứ Đức tại LHQ Peter Wittig đại diện cho Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi tiến hành “các cuộc thảo luận nghiêm túc” về một nghị quyết của HĐBA LHQ đối với Syrie. Ông Wittig cho biết: “EU sẵn sàng thu hẹp bất đồng, nhưng các cuộc đàm phán nghiêm túc phải được bắt đầu”. Ông Wittig đưa ra phát biểu trên sau khi Trợ lý Tổng thư ký LHQ Lynn Pascoe thông báo với HĐBA về những diễn biến mới nhất tại Syrie, theo đó trung bình mỗi ngày có 40 người thiệt mạng kể từ khi phái bộ của AL đến Syrie làm nhiệm vụ ngày 26-12-2011. Con số này cao hơn nhiều so với trước khi phái bộ đến Syrie.

Mặc dù AL đã thông báo đang tiếp tục cử thêm nhiều giám sát viên tới Syrie, nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 9-1 cho rằng cần có sự can thiệp của quốc tế nhằm “giúp Syrie tránh khỏi nguy cơ lâm vào nội chiến”, đồng thời nhấn mạnh Ankara sẵn sàng dẫn đầu cuộc can thiệp này.

Giới phân tích lo ngại Syrie sẽ đối mặt với tình thế tương tự như Libye. Hạm đội phương Bắc của hải quân Nga do tàu sân bay Kuznetsov dẫn đầu vừa thông báo đã rời khỏi Syrie sau 3 ngày viếng thăm.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Tổng thống al-Assad tuyên bố không từ chức, bất chấp sức ép từ các thế lực bên ngoài và lực lượng đối l

Chia sẻ bài viết