HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)
Trung Quốc được dự báo sẽ đóng góp 1/3 vào tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, vì thế nền kinh tế trì trệ của nước này trong những tháng gần đây đang gióng hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới.

Các nhà đầu tư toàn cầu đã rút hơn 10 tỉ USD khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc, phần lớn là bán cổ phiếu blue chip. Ảnh: Getty Images
Với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tình hình kinh tế khó khăn kéo dài ở Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho phần còn lại của thế giới. Phân tích từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tăng 1 điểm phần trăm thì tốc độ mở rộng của toàn cầu tăng khoảng 0,3 điểm phần trăm.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, xem Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ liên quan các mặt hàng từ linh kiện điện tử, lương thực cho đến kim loại, năng lượng.
Giá trị hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm trong 9/10 tháng qua do nhu cầu giảm so với mức cao kỷ lục trong đại dịch COVID-19. Giá trị các lô hàng vận chuyển từ châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ trong tháng 7 đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Châu Phi và châu Á chịu tác động nặng nề nhất, với giá trị nhập khẩu giảm hơn 14% trong 7 tháng đầu năm nay.
Nền kinh tế gặp khó của Trung Quốc đã khiến đồng tiền nước này giảm hơn 5% so với đồng đô-la Mỹ (USD) trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng cường bảo vệ đồng nội tệ thông qua nhiều biện pháp, bao gồm việc ấn định tiền tệ hàng ngày.
Dữ liệu thống kê chỉ ra sự mất giá của đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đang có tác động lớn hơn đến các đồng tiền cùng loại tại châu Á, khu vực Mỹ Latinh, Trung và Ðông Âu, với mối tương quan giữa đồng tiền Trung Quốc với một số đồng tiền khác cũng đang gia tăng. Theo Ngân hàng Barclays PLC của Anh, sự lan tỏa tâm lý yếu kém có thể đè nặng lên các loại tiền tệ như đồng đô-la Singapore, đồng baht Thái Lan và peso Mexico khi mối tương quan tăng lên.
Trong khi đó, việc Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong năm nay cũng làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu nước này đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã thu hẹp đầu tư và đang tìm kiếm những lựa chọn khác ở phần còn lại của khu vực.
Kinh tế khó khăn khiến nhiều người Trung Quốc chưa dám đi du lịch nước ngoài với số lượng lớn. Cho đến gần đây, Bắc Kinh đã cấm các tour du lịch theo nhóm tới nhiều quốc gia và vẫn còn thiếu các chuyến bay, nghĩa là hiện nay việc đi du lịch đắt đỏ hơn so với trước đại dịch.
Ngày 28-8, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Ðào đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tại thủ đô Bắc Kinh.
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Vương Văn Ðào bày tỏ hài lòng khi tham gia đối thoại và phối hợp với người đồng cấp Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Ông Vương Văn Ðào bày tỏ tinh thần sẵn sàng hợp tác để thúc đẩy một cơ chế chính sách thuận lợi hơn, nhằm tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư song phương theo cách ổn định và có thể đoán định được.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rằng quan hệ kinh tế mang tính ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa “rất quan trọng”. Bà Raimondo nói rằng cả thế giới hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ có mối quan hệ kinh tế ổn định.
Bà Raimondo đang thực hiện chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày, từ 27/8-30/8. Ðây là hoạt động mới nhất trong hàng loạt chuyến thăm cấp cao của giới chức Mỹ đến Trung Quốc trong những tháng gần đây.