03/12/2023 - 08:31

Sức nặng ngoại giao và ảnh hưởng địa chính trị của Qatar 

Cùng với thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza vừa rồi, nỗ lực hòa giải của Qatar đang diễn ra ở Lebanon, Libya, Chad hay Venezuela định vị quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này như đối thủ nặng ký về mặt ngoại giao, qua đó làm tăng vai trò ảnh hưởng chính trị của Doha tại khu vực.

Cầu nối giữa phương Tây và các thực thể phi nhà nước

Ngày 24-11, lệnh ngừng bắn tạm thời được áp dụng tại Dải Gaza, cho phép Israel cùng phong trào Hồi giáo vũ trang của người Palestine Hamas trao đổi tù nhân và thả con tin. Hai bên sau đó chấp nhận kéo dài lệnh ngừng bắn khi thỏa thuận ban đầu hết hiệu lực vào ngày 27-11. Qatar là bên trung gian hỗ trợ thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin nói trên. Đây không phải lần đầu quốc gia giàu có vùng Vịnh làm cầu nối ngoại giao giữa Israel và Hamas.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi (phải) gặp Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani tại Cairo ngày 10-11-2023. Ảnh: Reuters

Nhiều năm qua, hòa giải giữ vị thế nền tảng trong chính sách đối ngoại của Qatar. Theo Hội đồng Trung Đông, chiến lược quan trọng này giúp Doha phòng ngừa rủi ro khi duy trì quan hệ với nhiều chủ thể khác nhau ở khu vực, đồng thời tạo dựng uy tín trong cộng đồng quốc tế. Điều đó được thể hiện trong nhiều trường hợp, đỉnh điểm là thỏa thuận hòa bình giữa Washington và lực lượng Taliban tại Doha năm 2020, mở đường cho Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan năm 2021. Gần đây nhất, vương quốc này đã tạo điều kiện cho thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Nhà Trắng và Iran. Trong tháng 10, chính quyền Doha còn giúp hồi hương trẻ em về Ukraine sau tiến trình đàm phán nhiều tháng giữa Kiev và Nga.

Tất cả những thành công đó khẳng định vị thế “trung gian hòa giải” quốc tế ngày càng vững chắc của Qatar. Trong bài báo gần đây về các vấn đề toàn cầu, Hội đồng Trung Đông cho biết Doha dần trở nên không thể thiếu với Mỹ trên tư cách cầu nối giữa phương Tây và các tổ chức phi nhà nước ở khu vực. Vì vậy, không bất ngờ khi Hamas hay lực lượng Taliban có văn phòng chính trị ở thủ đô Doha. Nhiều quốc gia khác ở Trung Đông cũng không giấu tham vọng về vai trò hòa giải, chẳng hạn như Ai Cập, Oman hay Kuwait, nhưng Qatar đã thành công thể hiện mình là bên giúp giải quyết các vấn đề chính và ủng hộ đối thoại khu vực.

Giới quan sát cho rằng, Qatar đảm nhận vai trò trên một phần vì họ là quốc gia nhỏ nhưng có nguồn cung cấp khí đốt khổng lồ. Điều này thôi thúc Doha trở thành nhân tố không thể thiếu với cộng đồng quốc tế, từ đó giúp họ tránh khỏi sự can thiệp không mong muốn của các nước lớn. Đặc biệt, sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011, Qatar bất hòa với một số nước láng giềng khi ủng hộ người biểu tình ở một số quốc gia Arab. Mối quan hệ càng xấu đi khi Saudi Arabia và các đồng minh gồm Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar năm 2017, cáo buộc Doha can thiệp nội bộ, ủng hộ khủng bố và hỗ trợ các tổ chức phá hoại chính trị.

Phần thưởng cho Qatar và những tranh cãi

Như đã đề cập, Qatar năm 2012 cho phép Hamas lập văn phòng ở Doha và cơ sở này hiện vẫn hoạt động. Với Israel, Doha cũng phá vỡ điều cấm kỵ lâu đời trong khu vực khi là một trong những quốc gia Arab đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Do Thái vào năm 1996. Qatar còn duy trì quan hệ chặt chẽ với châu Âu và là khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Mỹ. Năm ngoái, Qatar được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden “trao phần thưởng” khi công nhận là đồng minh lớn không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vị trí chiến lược của Qatar tại Trung Đông.

Với việc luôn duy trì kênh liên lạc mở cho tất cả các bên, các chuyên gia đồng ý rằng Qatar có đường hướng tốt trong chính sách đối ngoại, nhưng không phải ai cũng ủng hộ. Đơn cử như trong xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas, một số nhà bình luận cho rằng Qatar là nơi an toàn của giới lãnh đạo chính trị Hamas nên Doha bằng cách nào đó có thể đã đồng lõa với tổ chức này. Đặc biệt, ở Washington, những tiếng nói theo chủ nghĩa tân bảo thủ chỉ trích Qatar vì quan hệ đó ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, có một thực tế quan trọng là Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama từng đóng vai trò trực tiếp giúp lập văn phòng Hamas ở Qatar. Richard Goldberg, cựu thành viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC), cho biết cả Washington lẫn Tel Aviv nhiều năm qua “đã ảo tưởng” về việc chấp nhận sự tồn tại của Hamas ở  Doha và tin vào ảnh hưởng ôn hòa từ Qatar. Trái với mục tiêu ngoại giao mềm mỏng, thực tế mới sau sự kiện Hamas tấn công Israel ngày 7-10 đã bác bỏ giả thuyết tổ chức này có thể trở thành một thực thể cầm quyền.

Về phần Qatar, ông Goldberg lập luận rằng Doha hành động phù hợp với suy nghĩ của chính quyền Obama về cách tái tạo Trung Đông dựa trên chính sách 2 bên cùng có lợi. Theo đó, giới lãnh đạo Hamas cần một nơi truy cập không hạn chế vào phương tiện truyền thông, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng an toàn bên cạnh nhu cầu thực phẩm được đảm bảo. Và Doha là nơi đáp ứng được tất cả điều đó. Đổi lại, xoa dịu và tách Hamas khỏi ảnh hưởng của Iran giúp Qatar tăng cường quan hệ với Mỹ, sau đó nâng cao vị thế ở Trung Đông. 

Quan chức cấp cao NSC phụ trách Trung Đông và Bắc Phi Steven Simon cho biết Qatar hiện đóng vai trò quan trọng khi tiếp tục đàm phán với Hamas để thả số con tin còn đang bị bắt giữ. Tuy nhiên, thái độ với họ đã thay đổi, ít nhất là ở Mỹ khi Doha hứng chỉ trích từ các chính trị gia phương Tây vì mối quan hệ với Hamas. Để hạn chế tác động, ông Goldberg cho rằng Mỹ phải tìm cách chấm dứt văn phòng liên lạc ở Doha nhằm thể hiện Washington không còn chấp nhận việc tài trợ hoặc cung cấp bến đỗ an toàn cho Hamas. Ngoài ra, để cảnh tỉnh đồng minh, ông Goldberg cho rằng Mỹ nên dời căn cứ không quân khỏi Doha và hủy bỏ tư cách đồng minh không thuộc NATO.

Qatar là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ ba thế giới, là một trong nước giàu có nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người cao thứ sáu hành tinh, cao hơn gấp đôi so với các nước láng giềng Saudi Arabia và Kuwait. Tuy nhiên, với diện tích lãnh thổ nhỏ và dân số ít, lực lượng vũ trang Qatar có quân số khoảng 12.000 người và không có quân dự bị. Qatar cũng là một quốc gia dễ bị tổn thương, do họ bị kẹp giữa hai siêu cường khu vực là Saudi Arabia và Iran, với rất ít hệ thống phòng thủ tự nhiên.

Vì thế, Qatar đồng ý cho Mỹ thiết lập trung tâm quân sự đầu não ở ngoại ô thủ đô Doha, căn cứ không quân Al-Udeid - căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Trung tâm Không quân Mỹ và Không đoàn Viễn chinh 379, một trong những đơn vị viễn chinh lớn và đa dạng nhất của Không quân Mỹ.  Căn cứ này có đến khoảng 11.000 nhân viên quân sự Mỹ đang làm việc.  Căn cứ Al-Udeid giúp Qatar an toàn trước nguy cơ tấn công từ bất cứ đối thủ nào trong khu vực, giới quan sát đánh giá. Al-Udeid đóng vai trò như một “vật bảo đảm” cho sự ủng hộ của Mỹ đối với Qatar. Rõ ràng, cùng với Hiệp định quốc phòng ký vào năm 2013, căn cứ Al-Udeid trở thành “lá chắn” vững chắc cho Doha trước các mối đe dọa bên ngoài. Ngược lại, căn cứ này là một phần giá trị chiến lược mà Qatar cung cấp cho Mỹ. Nó mang đến những điều kiện thuận lợi mà Mỹ không thể có ở bất kỳ nơi nào khác tại vùng Vịnh. 

Nhờ những lợi thế khác biệt trên tại Trung Đông, kể từ khi lên nắm quyền 10 năm trước, Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani dường như đã quyết tâm định vị quốc gia nhỏ bé này là một “tay chơi” quan trọng trên sân khấu địa chính trị khu vực và toàn cầu.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết