20/06/2012 - 09:54

Trung Quốc

Sữa nội bẩn, sữa ngoại lên ngôi

Các công ty chế biến sữa và thực phẩm quốc tế đang đánh cược lớn với ngành sữa đang phát triển nhanh ở Trung Quốc, hy vọng tạo cho mình vị thế là sự lựa chọn an toàn thay cho hãng sữa bột kém chất lượng trong nước sau hàng loạt vụ bê bối “sữa bẩn” bị phanh phui.

Các hãng sữa ngoại quyết tâm cạnh tranh chất lượng với sữa nội ở Trung Quốc. 

Hãng tin Anh Reuters cho biết tuần qua, Tập đoàn công nghiệp Yili Nội Mông, công ty chế biến sữa hàng đầu Trung Quốc, đã thu hồi các lô sữa bột trẻ em được sản xuất trong 6 tháng trở lại đây sau khi nhà chức trách phát hiện chúng có chứa thủy ngân, một kim loại nặng độc hại có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng chức năng não, tim, thận, phổi và hệ miễn dịch. Ngay lập tức, Tập đoàn sữa Arla, liên doanh của Đan Mạch và Thụy Điển, thông báo họ sẽ chi 289 triệu USD mua lại 6% cổ phần của Công ty sữa Mông Ngưu - đối thủ cạnh tranh chính của Yili Nội Mông, để mở rộng thương hiệu Arla ở Trung Quốc.

Điểm hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đối với các hãng sữa ngoại là nó được dự báo sẽ tăng trưởng tới 10%/năm và người tiêu dùng nước này sẵn sàng chi nhiều tiền mua sữa ngoại khi họ đã quá ngán ngẩm với độ an toàn của sữa nội.

Hiện Arla và các đối thủ cạnh tranh hy vọng họ có thể tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc về việc được sử dụng những sản phẩm chất lượng. Nhưng để làm được điều đó, họ phải có biện pháp chống lại những rủi ro ảnh hưởng đến danh tiếng. Đơn cử vào năm 2008, Arla – công ty liên doanh với Công ty sữa Mông Ngưu, đã phải trấn an khách hàng quốc tế rằng họ không bán các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đến những nước khác, sau khi nhà máy sữa của Mông Ngưu bị đình chỉ hoạt động vì vụ bê bối sữa nhiễm melamine. Fonterra - công ty sữa hàng đầu New Zealand, cũng đã mất trắng khoản đầu tư 150 triệu USD vào Tập đoàn sữa quốc doanh Tam Lộc, tâm điểm của vụ bê bối sữa nhiễm melamine. Ít nhất 6 trẻ thiệt mạng và 300.000 trẻ khác ngã bệnh do uống sữa chứa hóa chất độc hại melamine. Sau vụ này, độ an toàn của sữa đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ ở nước này.

Trung Quốc hiện là thị trường sữa bột lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ qua mặt Mỹ trở thành thị trường sản xuất các chế phẩm từ sữa lớn nhất hành tinh vào năm 2020. Vì vậy, các công ty thực phẩm toàn cầu đang cạnh tranh để hưởng lợi từ nhu cầu đang tăng cao của thị trường này. Dự kiến, doanh số bán hàng tại Trung Quốc của công ty Nestlé sẽ tăng mạnh và họ đang đợi Bộ Thương mại Trung Quốc cấp phép hợp tác với công ty Pfizer của Mỹ để nâng thị phần sữa bột tại nước này lên 12%. Được biết hồi tháng 4, gã khổng lồ thực phẩm của Thụy Sĩ đã đồng ý mua lại bộ phận sản xuất sữa trẻ em của Pfizer với giá 11,85 tỉ USD. Theo thống kê, Trung Quốc chiếm chỉ 3% doanh số toàn cầu của Nestlé năm 2011 nhưng doanh số bán hàng tại lãnh thổ này tăng tới 23%. Để giữ vững đà tăng trưởng đó, Nestlé và các công ty khác đang tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất nhưng đau đầu trước vấn đề về chất lượng. Do đó, các công ty rất chú trọng việc kiểm soát các chuỗi cung ứng sữa nguyên liệu.

Nestlé cho biết họ thường mua sữa trực tiếp từ hàng ngàn hộ nuôi bò sữa thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, tập đoàn này đã cắt giảm số nhà cung cấp sữa nhỏ lẻ từ 30.000 xuống dưới 12.000 và có kế hoạch di dời các trang trại nuôi bò sữa nhỏ lẻ đến các cơ sở chăn nuôi bò sữa lớn hơn. Trong tháng này, Nestlé, hợp tác đầu tư cùng hãng sữa Mỹ Land O’Lakes và các đối tác khác, đã khởi công một dự án trị giá 377 triệu USD, trong đó xây dựng một trung tâm đào tạo và hai trang trại bò sữa hiện đại với số lượng lần lượt là 2.400 và 8.000 con bò. Công ty Fonterra của New Zealand cũng đang xây dựng các cơ sở chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn gần Thủ đô Bắc Kinh để cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy bơ sữa.

Sở dĩ nhiều công ty sữa nước ngoài tăng cường đầu tư vào Trung Quốc là vì họ sắp đối mặt với tình trạng quá tải sữa ở châu Âu, khi Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tăng sản lượng sữa thêm 6% từ năm 2015, tương đương 9 tỉ lít sữa/năm. Vì vậy, các công ty sữa quốc tế hiện xem việc đầu tư vào thị trường sữa ở Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung là một hướng đi nhiều triển vọng.

TRÍ VĂN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết