29/10/2019 - 10:32

Sri Lanka sẽ lại ngả về Trung Quốc? 

Việc Sri Lanka ngả sang Mỹ kể từ khi Tổng thống Maithripala Sirisena lên nắm quyền hồi năm 2015 đã đánh dấu sự quay lưng với cựu Tổng thống thân Trung Quốc Mahinda Rajapaksa. Tuy nhiên, nay ông Mahinda lại xuất hiện trong chiến dịch tranh cử, lần này là ủng hộ em trai Gotabhaya Rajapaksa trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 16-11 tới.

Người ủng hộ cầm bức hình chân dung của ông Gotabhaya. Ảnh: EPA

Phát ngôn viên của Gotabhaya hồi tháng rồi cam kết rằng vị cựu bộ trưởng quốc phòng này sẽ “khôi phục quan hệ” với Bắc Kinh nếu đắc cử tổng thống quốc gia Nam Á. Ông Gotabhaya hiện được xem là ứng viên nặng ký nhất sau khi đảng Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP) giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương năm 2018. Kết quả này khá bất ngờ, nhưng nó có thể được giải thích là do phần lớn trong số gần 16 triệu cử tri nghĩ rằng kinh tế Sri Lanka đang đi xuống. Do vậy, lá phiếu của họ như để phản đối sự quản lý kinh tế kém hiệu quả của Tổng thống Sirisena và đảng Thống nhất Dân tộc.

Dưới gần 10 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mahinda, chính quyền Sri Lanka đã nhận các khoản đầu tư từ Trung Quốc xấp xỉ 4,5 tỉ USD. Trong giai đoạn này, 4 anh em nhà Rajapaksa chia nhau kiểm soát nhiều bộ trong chính phủ và khoảng 80% tổng chi tiêu công. Dù vậy, chính sách ngoại giao thân Bắc Kinh của Sri Lanka bị cho là đã tạo điều kiện cho Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tại đảo quốc này. Số nợ mà Sri Lanka vay từ Trung Quốc tăng nhanh. Đến tháng 12-2017, khi không có khả năng thanh toán các khoản nợ, Sri Lanka dưới thời ông Sirisena đã buộc phải bàn giao cảng Hambantota chiến lược của nước này cho Trung Quốc tiếp quản. Theo hợp đồng, Bắc Kinh thuê cảng Hambantota trong 99 năm và đây được cho là một điều kiện trong thỏa thuận giảm nợ cho Colombo.

Với việc Sri Lanka nằm ở vị trí chiến lược gần các tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, những ngụ ý trong cam kết “khôi phục quan hệ” với Trung Quốc vượt ngoài phạm vi đảo quốc này. Sri Lanka có thể đóng vai trò then chốt trong cuộc tranh giành ưu thế vượt trội về hàng hải giữa Trung Quốc và các cường quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (của Washington), gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Trong đó, cảng Hambantota, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả là trung tâm trong dự án Con đường tơ lụa trên biển của nước này, là một viên ngọc quý trong cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai” nhằm bao vây Ấn Độ. Giữa lúc quốc tế ngày càng hoài nghi về “Sáng kiến Vành đai, Con đường”, thì viễn cảnh gia đình Rajapaksa trở lại lãnh đạo ở Sri Lanka được coi là tin tốt cho Trung Quốc bởi Bắc Kinh cũng hy vọng “biến” đất nước với đa số dân theo đạo Phật này thành một tiền đồn quân sự.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết