30/08/2012 - 22:26

Sáng kiến 2.0

Trong cả nước, TP Cần Thơ và tỉnh Điện Biên là 2 địa phương được chọn triển khai sáng kiến thí điểm 2.0 (gọi tắt là sáng kiến 2.0). Đây là sáng kiến toàn cầu do Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xây dựng nhằm đem dịch vụ y tế đến gần dân, đồng thời tiết kiệm được chi phí cho ngân sách, bệnh nhân...

Đưa dịch vụ y tế đến gần dân

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hoa, Trưởng phòng Hành chánh, Trung tâm Y tế dự phòng quận Ô Môn đo huyết áp cho bệnh nhân đang điều trị ARV. 

Tại Trạm Y tế phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, mọi công tác chuẩn bị triển khai sáng kiến 2.0 đã cơ bản hoàn tất. Y sĩ Lâm Hữu Tín, Quyền Trưởng trạm Y tế phường Châu Văn Liêm, cho biết: “Trạm y tế đã sửa sang cơ sở vật chất, hình thành phòng Tư vấn xét nghiệm điều trị 2.0 do Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ cấp kinh phí (5 triệu đồng). Ngoài ra, trạm cũng đưa cán bộ đi tập huấn để chuẩn bị cho việc triển khai sáng kiến 2.0”. Hiện nay, toàn phường có 108 người nhiễm, trong đó 50 người đã tử vong, hiện còn sống là 58, trong đó bệnh nhân AIDS là 25 người. Khi triển khai sáng kiến 2.0, bệnh nhân AIDS đang điều trị thuốc ARV (thuốc kháng vi rút) tại phòng khám Ngoại trú quận sẽ được chuyển về trạm y tế tiếp tục điều trị. Đồng thời, trạm y tế cũng cấp phát thuốc ARV, thuốc dự phòng lao hoặc dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội, theo dõi tác dụng phụ của thuốc; cấp phát thuốc điều trị lao; chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; tư vấn dinh dưỡng, cấp sữa ăn thay thế cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV (bằng test nhanh)... Ông Phạm Văn Khứ, phụ trách chương trình HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng quận Ô Môn cho biết: “Trước đây, xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân đều do phòng khám Ngoại trú quận đảm nhiệm nhưng hiện nay khi triển khai sáng kiến 2.0 thì chuyển về cho trạm y tế. Tuy nhiên, bước đầu chỉ đưa những bệnh nhân đã điều trị ổn định về trạm y tế. Phòng khám Ngoại trú hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế trong điều trị”.

Trên địa bàn TP Cần Thơ có 9 xã, phường triển khai sáng kiến 2.0: Phước Thới, Thới Long và Châu Văn Liêm (quận Ô Môn); An Hòa, An Lạc, Cái Khế (quận Ninh Kiều); Thạnh Tiến, Thạnh Qưới, Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh). Quận Thốt Nốt cũng triển khai sáng kiến 2.0 (do Thốt Nốt mới được chọn nên triển khai sau).

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, đến nay đã tổ chức xong nhiều hoạt động để chuẩn bị cho triển khai sáng kiến 2.0: Hội nghị đồng thuận, cung cấp thông tin về hoạt động tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV tại trạm y tế, khảo sát và cung cấp một số trang thiết bị cho 9 trạm y tế, tập huấn cho cán bộ y tế... Dự kiến trong tháng 8 và 9-2012, WHO tiến hành mua và cung cấp trang thiết bị, vật tư tiêu hao, sinh phẩm cho 9 trạm y tế. Bác sĩ Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, người dân muốn xét nghiệm HIV phải đi đến quận, huyện hoặc thành phố để xét nghiệm, nhưng bây giờ chỉ cần đến trạm y tế xã. Xét nghiệm trước đây cũng 1 tuần mới có kết quả nhưng bây giờ với kết quả âm tính thì chỉ vài giờ là nhận được kết quả; trong trường hợp kết quả dương tính, gởi lên thành phố để làm xét nghiệm khẳng định, bệnh nhân được trả kết quả trong vòng 3 ngày. Việc đưa các dịch vụ về trạm y tế xã sẽ giúp người nhiễm phát hiện bệnh sớm, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Điều này sẽ làm giảm chi phí chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Đồng thời giúp người bệnh giảm chi phí đi lại, tăng cường năng lực của y tế cơ sở, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, hỗ trợ người nhiễm tuân thủ điều trị”.

Bệnh nhân còn e ngại

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là một số bệnh nhân e ngại chuyển về trạm y tế điều trị. Bệnh nhân T, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn đã điều trị ARV từ năm 2006 cho biết: “Hiện nay, tôi đang nhận thuốc ARV uống ở phòng khám Ngoại trú quận. Trong gia đình, chỉ vợ tôi là biết tôi nhiễm HIV. Về trạm y tế nhận thuốc thì thuận lợi là giảm chi phí đi lại, giảm thời gian nhưng tôi sợ về trạm y tế gần nhà điều trị thì lộ bí mật, mọi người kỳ thị, ảnh hưởng đến vợ và các con (con đang đi học), ảnh hưởng đến công việc. Tôi mong nếu có chuyển về trạm y tế điều trị ARV thì nên có quy định bảo mật chặt chẽ thông tin cho bệnh nhân”. Trước lo lắng này, Y sĩ Lâm Hữu Tín, Quyền Trưởng trạm Y tế phường Châu Văn Liêm, cho biết: “Việc bảo mật thông tin cho bệnh nhân ở trạm y tế được thực hiện đúng quy định. Trong năm 2011, trạm y tế lấy máu của phụ nữ mang thai, chuyển về trên xét nghiệm thì phát hiện 2 trường hợp mang thai nhiễm HIV. Hai trường hợp này đến nay vẫn giữ bí mật tình trạng nhiễm. Vì thế, khi triển khai sáng kiến 2.0, công tác bảo mật thông tin bệnh của bệnh nhân cũng tiếp tục thực hiện đúng quy định”. Trước mắt, giai đoạn đầu, phòng khám Ngoại trú quận Ô Môn chỉ chuyển 5-7 bệnh nhân về trạm y tế tiếp tục theo dõi điều trị. Ông Phạm Văn Khứ cho biết: “Chúng tôi động viên, tư vấn cho bệnh nhân rất nhiều về việc chuyển bệnh nhân về trạm y tế tiếp tục điều trị. Trước mắt, động viên đồng đẳng viên (đang điều trị ARV) về trạm y tế điều trị. Từ đó, đồng đẳng viên tiếp tục vận động các bệnh nhân khác cùng cảnh ngộ hiểu được việc chuyển về trạm y tề điều trị có lợi hơn cho bệnh nhân”.

Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị để triển khai sáng kiến 2.0 ở TP Cần Thơ đã cơ bản hoàn tất. Nhưng cái khó là một số bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV vẫn chưa hiểu rõ về sáng kiến 2.0, e ngại khi được chuyển về trạm y tế điều trị. Vì thế, các cán bộ y tế tiếp tục làm công tác tư vấn, động viên bệnh nhân. Dự kiến, tháng 9-2012 sẽ có nhóm bệnh nhân đầu tiên đưa về điều trị tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết