04/07/2020 - 08:22

Sách về ông Trump đắt như tôm tươi 

Ngay trong tuần đầu ra mắt, cuốn hồi ký của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã dẫn đầu danh sách bán chạy nhất trên New York Times và Amazon với hơn 780.000 bản được tiêu thụ.

Tổng thống Trump (trái) và Cố vấn Bolton. Ảnh: Getty Images

Theo số liệu thống kê, doanh số cuốn The Room Where It Happened: A White House Memoir (tạm dịch: Căn phòng nơi sự việc diễn ra: Ký ức về Nhà Trắng) của ông Bolton trong tuần đầu phát hành chưa vượt qua tác phẩm cùng thể loại của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey. Nhưng nó vẫn được xếp vào một trong những cuốn sách chính trị bán chạy nhất dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Bình luận này được đưa ra giữa lúc Nhà Trắng đang đau đầu giải quyết vụ tình báo nói Nga treo thưởng cho các chiến binh Taliban để giết lính Mỹ ở Afghanistan. Thông tin chấn động trên được New York Times tiết lộ tuần rồi và điều khiến các nghị sĩ tức giận là tin nói ông Trump đã nhận văn bản báo cáo từ tháng 2. Theo nguồn tin ẩn danh, văn bản cũng được chuyển cho giới chức hàng đầu tại Hội đồng An ninh Quốc gia, bao gồm cả ông Bolton. Nguồn tin này không rõ ông Bolton thời điểm đó có thông báo cho tổng thống hay không nhưng xác nhận ông này biết về các báo cáo. Khi được hỏi về vấn đề trên, John Bolton từ chối thảo luận thông tin mật nhưng lấp lửng rằng “ai cũng hiểu bản chất các hoạt động của Nga - ngoại trừ Tổng thống Trump”.

Đây không phải lần đầu tiên một cựu cố vấn hoặc trợ lý hiện tại đưa ra những “giai thoại” về Tổng thống Trump như một nhân vật “tay ngang” trong chính trường, không có hiểu biết cơ bản về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, cuốn sách của ông Bolton thu hút từ khi chưa ra mắt với những tiết lộ về một tổng thống sẵn sàng “bẻ cong chính sách đối ngoại” để thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước hoặc vì lợi ích chính trị cá nhân. Đây cũng là tâm điểm vụ luận tội ông Trump hồi tháng 1, sau cáo buộc hoãn gói viện trợ nhằm gây áp lực lên Ukraine để nước này tiến hành cuộc điều tra có thể gây tổn hại cho đối thủ chính trị Joe Biden.

Trong hoạt động giới thiệu sách gần đây, ông Bolton cũng nhắc lại việc bản thân từ chối tham gia cuộc điều tra luận tội của Hạ viện. Vị cựu cố vấn khẳng định không hối hận với quyết định này nhưng “rất tiếc” trước phiên xử luận tội tại Thượng viện, nơi ông Trump được tha bổng cho cả hai tội danh lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Theo ông Bolton, Tổng thống Trump trì hoãn gói viện trợ cho Ukraine là hành vi xâm hại lợi ích quốc gia và hoàn toàn “bất hợp pháp”.

Trả lời phỏng vấn, cựu cố vấn còn gây chú ý khi hé lộ bản chất quan hệ giữa Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo khác là dựa trên mong muốn của bản thân tỉ phú New York muốn được người khác xem mình như “ông lớn”. Tuy nhiên, theo ông Bolton, phong cách đàm phán của chủ nhân Nhà Trắng với những nhân vật quyền lực khác lại khá “ngây thơ và dại dột”. Ông còn chỉ trích lãnh đạo Mỹ quá tự tin khi lúc nào cũng nghĩ có thể hoàn tất những thỏa thuận quan trọng chỉ với một ngày đàm phán, ám chỉ quyết định của ông Trump trong vấn đề Triều Tiên và Iran. Cũng vì tác phong này, vị cựu cố vấn cho rằng không khó để những nguyên thủ khác như Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “nhìn thấu” ông Trump.

Nói thêm về 18 tháng đầy biến động khi làm việc ở Nhà Trắng, ông Bolton cho biết bản thân chịu đủ “nỗi khổ” mỗi lần tham gia họp giao ban tình báo liên quan đến Nga. Ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến của nhiều quan chức, rằng Tổng thống Trump không muốn nghe, thậm chí nổi giận khi nhận tin tức tiêu cực về Tổng thống Putin. Trên vai trò cố vấn an ninh, ông Bolton nhiều lần tỏ ra hoài nghi tính hiệu quả của các cuộc họp giao ban với Tổng thống Trump. Trong hồi ký, ông viết rằng mình không nghĩ những cuộc họp ngắn này có giá trị và cộng đồng tình báo cũng đồng quan điểm bởi phần lớn thời gian các quan chức phải nghe ông Trump nói thay vì tổng thống chịu lắng nghe báo cáo.l

MAI QUYÊN (Theo Hill, CNN)

Chia sẻ bài viết