06/03/2020 - 10:59

Rừng nhiệt đới giảm khả năng hấp thụ carbon 

Các khu rừng nhiệt đới trên thế giới đang mất đi khả năng hấp thụ CO2 từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính với tốc độ rất nhanh, theo cảnh báo của các nhà khoa học hôm 4-3.

Cháy rừng hoành hành ở Úc.

Nhóm nghiên cứu quốc tế đã ghi nhận dữ liệu về sự phát triển và thiệt hại ở những khu rừng bị tàn phá tại 11 quốc gia châu Phi trong hơn 50 năm. Sau đó, họ so sánh dữ liệu này với dữ liệu tương tự thu thập tại hơn 300 cánh rừng của rừng mưa Amazon ở Nam Mỹ- được mệnh danh là “lá phổi” của hành tinh. Kết quả cho thấy vai trò bể chứa carbon của rừng đã giảm nhiều hơn bởi cây cối mất mát do nhiệt độ quá cao, hạn hán và nạn phá rừng. Ở giai đoạn đỉnh điểm (thập niên 1990), các khu rừng nhiệt đới từng “hút” tới 46 tỉ tấn carbon, nhưng 10 năm qua, con số này giảm xuống còn khoảng 25 tỉ tấn, tương đương 6% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

Rừng được coi là bể chứa carbon khi nó hấp thụ lượng khí này từ khí quyển (thông qua quá trình quang hợp) nhiều hơn thải ra. Nhưng tỷ lệ giảm diện tích rừng trên thế giới lại khác nhau, trong đó khả năng hấp thụ carbon của rừng Amazon tụt dốc nhanh hơn nhiều so với những khu rừng nhiệt đới ở vùng hạ Sahara châu Phi. Thậm chí, Amazon có nguy cơ đi từ bể chứa carbon trở thành nguồn thải carbon trong vòng 15 năm tới. Đối với những khu rừng châu Phi, năng lực của bể chứa carbon được dự báo sẽ giảm 14% vào năm 2030.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu làm tăng nguy cơ cháy rừng ở Úc ít nhất 30%. Trong mùa cháy rừng 2019-2020, nhiệt độ cao kỷ lục cộng với nhiều tháng hạn hán nghiêm trọng đã dẫn đến hàng loạt vụ cháy rừng lớn trên khắp nước này. Ít nhất 33 người chết và hơn 11 triệu héc-ta rừng đã bị xóa sổ.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, BBC)

Chia sẻ bài viết