26/08/2024 - 21:52

Robot an ninh trở nên phổ biến ở Mỹ 

Robot an ninh đang nhanh chóng trở thành “cánh tay đắc lực” cho các lực lượng bảo vệ an ninh nhưng cũng làm dấy lên mối lo ngại về các vấn đề riêng tư, đồng thời tạo nên nghi vấn về tính hiệu quả của chúng trong việc giữ an toàn cho công chúng.

Thị trưởng New York Eric Adams phát biểu trong một cuộc họp báo về việc triển khai robot K5. Ảnh: CNN

Từ thành phố New York cho đến tiểu bang Hawaii, người ta có thể dễ dàng phát hiện ra những robot an ninh được trang bị bộ cảm biến tuần tra xung quanh các tòa nhà chung cư cũng như tại một số cộng đồng dân cư. Ðáng chú ý, sự hiện diện của robot còn được mở rộng sang các sở cảnh sát, nơi chúng được tích hợp vào các hoạt động thực thi pháp luật. Ðơn cử, Sở Cảnh sát New York hồi năm 2023 đã triển khai một robot an ninh K5, sản phẩm nổi tiếng nhất của công ty công nghệ an ninh và robot Mỹ Knightscope, để tuần tra Quảng trường Thời đại và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố.

Trong khi đó, đầu năm nay, người ta nhìn thấy 3 robot K5 được triển khai tại thành phố San Diego và một được đặt tại một khu chung cư ở thành phố Claremont, hoạt động 24/7 để đảm bảo an toàn cho cư dân và chống nạn trộm xe. Còn đầu tháng này, một tòa nhà chung cư ở thành phố Atlanta cũng đã triển khai robot K5. Nó đi lang thang trên vỉa hè bên ngoài các tòa nhà để quan sát và bảo vệ cư dân. Theo Stacy Stephens, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch điều hành của Knightscope, công ty cung cấp phần mềm bảo mật, cho phép robot K5 phát đi cảnh báo đến hệ thống an ninh hoặc nơi triển khai robot này nếu phát hiện điều bất thường và yêu cầu nhân viên an ninh điều tra sự cố. Tuy nhiên, K5 không có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu tội phạm quốc gia và chúng cũng không được trang bị phần mềm nhận dạng khuôn mặt.

Cũng trong đầu năm nay, cảnh sát tiểu bang Massachusetts đã triển khai robot “Spot” trong một cuộc truy lùng nghi phạm ở thành phố Boston. Theo CNN, robot này đã bị trúng đạn khi cố gắng xác định vị trí nghi phạm. “Spot” do công ty Boston Dynamics sản xuất và rất được các sở cảnh sát, cơ sở sản xuất và công ty xây dựng “chuộng” dùng.

Về phần mình, công ty trí tuệ nhân tạo (AI) và robot Cobalt AI (Mỹ) cũng đã giới thiệu robot an ninh tuần tra hành lang, không gian văn phòng. Robot này được trang bị màn hình tích hợp, vốn cho phép tương tác giữa người với người theo thời gian thực, từ đó cho phép các nhân viên an ninh giao tiếp qua lại từ xa.

Sở dĩ robot an ninh được “chuộng” dùng là bởi chúng sở hữu một loạt khả năng mà con người không có, khiến chúng trở thành đối tác độc đáo của các hệ thống an ninh. Chẳng hạn, chúng có thể chụp ảnh và quay video 360 độ; nhận dạng biển số xe; phát và ghi âm 2 chiều; phát hiện chuyển động và vật thể trước mặt; điều hướng qua các môi trường nguy hiểm… Ðặc biệt, các robot an ninh có thể hoạt động 24/7 và “xuất sắc” hoàn thành các nhiệm vụ như trực ở trạm hay đi theo một tuyến đường đã định.

Chưa kể, robot an ninh còn sở hữu “khả năng răn đe”. “Khi mọi người đến trường và nhìn thấy một con robot to lớn có dòng chữ an ninh hoặc cảnh sát trên đó thì điều mọi người bắt đầu nghĩ đến là gì?” - ông Stephens đặt câu hỏi. Theo Paul Scharre, Phó Chủ tịch điều hành tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, khả năng răn đe vật lý của robot có thể xoa dịu các tình huống có thể leo thang.

Thế nhưng, việc chứng minh robot an ninh là giải pháp đáng tin cậy là rất khó khăn, bởi hiện thiếu nguồn dữ liệu công khai để chứng minh điều đó. Ngoài ra, việc sử dụng robot an ninh cũng đang làm dấy lên mối lo ngại về các vấn đề riêng tư. Jay Stanley, nhà phân tích chính sách cao cấp của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, cho rằng robot an ninh có thể là “cơn ác mộng” về quyền riêng tư đối với công dân bình thường. “Nếu những robot này đưa ra quyết định về việc theo dõi ai dựa trên các thuật toán AI thì nó sẽ làm dấy lên nghi vấn về sự công bằng và minh bạch” - ông Stanley lo ngại.

Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển ngành robot

Ngày 25-6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định thúc đẩy phát triển ngành robot đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế. Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, sau khi đến tham quan, khảo sát tại Triển lãm Robot thế giới 2024 diễn ra ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Cường cho rằng Trung Quốc phải nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái đổi mới mở, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, đồng thời tiếp tục khám phá sâu thị trường Trung Quốc. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng và tận dụng tốt nền tảng hợp tác và trao đổi công nghiệp robot, duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng; thúc đẩy hiệu quả hơn nữa đổi mới công nghệ và phát triển công nghiệp robot toàn cầu.

Triển lãm Robot thế giới 2024 diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 21-25/8, với sự tham gia của 169 doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Các công ty tham gia đang trưng bày hơn 600 sản phẩm sáng tạo, trong đó có hơn 60 sản phẩm robot lần đầu ra mắt và 27 robot hình người.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết