19/12/2011 - 09:07

Quyết giữ "thương hiệu" AAA

Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg (trái) và Thủ tướng Pháp Francois Fillon từng khẩu chiến xung quanh việc nước nào đáng bị hạ bậc tín nhiệm AAA. Ảnh: GETTY

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang tất bật cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel tìm cách giải cứu Khu vực đồng euro (Eurozone) khỏi tan rã do khủng hoảng nợ công, giữa lúc Ý và Tây Ban Nha có dấu hiệu đi theo vết xe đổ của Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Nói cách khác, ông chủ Điện Élyseé đang nỗ lực giúp đỡ các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, trong lúc đó, bản thân nước Pháp lại phải chật vật “chiến đấu” để bảo vệ hạng tín dụng vàng AAA của mình trước những lời hăm he của 3 hãng định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới.

Standard & Poor’s vừa đánh tiếng có thể hạ bậc tín nhiệm của Pháp trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Còn Fitch hôm 17-12 vẫn duy trì hạng AAA cho đất nước hình lục giác nhưng hạ triển vọng xuống tiêu cực- hàm ý có thể đánh rớt hạng trong vòng 12-18 tháng tới. Moody’s thì tuyên bố sẽ xem xét lại mức tín nhiệm của tất cả các nước Eurozone, dĩ nhiên là kể cả Pháp, vào quý I-2012 do cho rằng hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hồi thượng tuần tháng này đã không đưa ra được những biện pháp đủ mạnh để chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Tuy đồng hạng AAA với Đức nhưng chi phí vay mượn của Pháp nặng hơn nhiều. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Paris hiện cao hơn ít nhất 1% so với Berlin. Năm tới, Pháp cần huy động 400 tỉ euro để trả nợ và với lãi suất như vậy, người đóng thuế sẽ phải chịu thêm hơn 4 tỉ euro tiền lãi mỗi năm. Trường hợp bị hạ bậc tín nhiệm, con số này dĩ nhiên còn đội lên nữa. Nhưng quan trọng hơn, nếu bị tụt hạng, vị thế của Pháp sẽ suy yếu vì không có tiền đóng góp cho quỹ giải cứu Eurozone, và cơ may giành thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa của ông Sarkozy trong cuộc bầu cử vào nửa đầu năm tới chắc chắn sẽ vơi đi ít nhiều.

Chính vì vậy mà Paris đang cố giữ hạng AAA cho bằng được. Bên cạnh các giải pháp kinh tế để chứng tỏ với các hãng xếp hạng tín dụng rằng mình đi đúng hướng, Pháp còn so bì với Anh- quốc gia bên ngoài Eurozone được xếp hạng AAA. Tuần rồi, Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Bộ trưởng Tài chính Francois Baroin và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Christian Noyer đã đồng loạt tuyên bố tình hình tài chính của Anh yếu hơn Pháp, cụ thể là thâm hụt ngân sách, nợ công và lạm pháp đều cao hơn. Do vậy, theo họ, nếu có đánh rớt hạng thì phải nhằm vào xứ sương mù trước. Đáp lại, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg nói rằng những bình luận như vậy là “không thể chấp nhận” và mang động cơ chính trị, trong khi Bộ trưởng Tài chính George Osborne thì so sánh kinh tế Pháp hiện nay với Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Cuộc khẩu chiến giữa hai bờ eo biển Manche chỉ tạm thời lắng xuống khi ông Fillon gọi điện cho ông Clegg để “nói lại cho rõ” hồi cuối tuần rồi.

Thật ra, phản ứng của Paris là có thể hiểu được nếu đặt bên cạnh thái độ cay cú của Washington đối với Standard & Poor’s khi hãng này lần đầu tiên trong lịch sử tước đi “thương hiệu”3 chữ A của Mỹ hồi đầu tháng 8.

LÊ DÂN

Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg (trái) và Thủ tướng Pháp Francois Fillon từng khẩu chiến xung quanh việc nước nào đáng bị h

Chia sẻ bài viết