03/08/2010 - 09:33

Quyền tự quản kinh tế

Thủ tướng Viktor Orban. Ảnh: AP

Bộ Kinh tế Hungary vừa có dấu hiệu được xem là “cách mạng” đối với nền chính trị nước nhà, khi tuyên bố hôm 2-8 rằng Budapest đã lấy lại “khả năng tự quản” kinh tế. Tuyên bố này hàm ý chính phủ mới của Thủ tướng Viktor Orban đã xác định tự thiết lập chương trình kinh tế riêng, ngay cả khi điều đó có thể làm mất đi sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

IMF cùng với EU đã giải cứu Hungary thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ bằng gói cho vay trị giá 26,12 tỉ USD hồi năm 2008. Tuy nhiên, quan hệ của IMF và EU với Hungary trở nên căng thẳng, sau khi hai bên hoãn đàm phán thỏa thuận mới thay cho cái cũ sắp hết hạn vào tháng 10 tới. Có nhiều nguyên nhân nhưng cốt lõi là vì Hungary bất bình trước những báo cáo của IMF và EU rằng nước này không thực hiện đầy đủ các điều kiện cắt giảm chi tiêu công. Các quan chức Hungary không hài lòng việc IMF và EU chỉ trích thuế ngân hàng mới mà họ áp đặt trong nỗ lực tăng gần 1 tỉ USD lấp vào khoản thiếu hụt ngân sách. IMF và EU cho rằng thuế này có thể không khuyến khích ngân hàng phát vay và có nguy cơ kiềm hãm đà hồi phục kinh tế. Vẫn tôn trọng mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách 2010 (3,8% GDP) theo các điều kiện trong thỏa thuận cho vay của IMF và EU, nhưng Thủ tướng Orban tuyên bố Hungary thực hiện như thế nào sẽ không còn là sự bận tâm của hai tổ chức này nữa.

Ngay khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 5, Thủ tướng Orban đã thể hiện rõ quan điểm rằng Hungary có thể gượng dậy mà không cần viện trợ của IMF và EU, nếu các kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm của ông được thông qua. Ông Orban đang xúc tiến cái mà các trợ lý của ông gọi là “chính sách kinh tế yêu nước”, với việc thoát khỏi sự kiềm kẹp về tài chính của IMF và EU, mà dư luận nước này ví như giành độc lập khỏi ngoại xâm. Agnes Naray-Szabo, giáo viên trung học 26 tuổi, cho rằng: “Không ai có thể quyết định thay Hungary những gì cần làm cho kinh tế đất nước. Ông Orban và đảng cầm quyền đang làm rất tốt công việc của họ”. Một quan chức chủ chốt trong chính phủ cũng nói: “Đây là cuộc chiến tự do kinh tế, Hungary đang lấy lại sự độc lập tài chính”.

Venezuela cũng từng cắt đứt quan hệ với IMF và Ngân hàng thế giới (WB) năm 2007, cũng vì không muốn những ràng buộc từ bên ngoài đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đó Venezuela đã có đủ tiền để hoàn trả các khoản vay, còn hiện tại, hoàn cảnh của Hungary rất khác, với nợ quốc gia tương đương khoảng 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không có sự hỗ trợ từ IMF và EU, Budapest sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình vượt thoát. Nhưng Mark Weisbrot, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ở Washington, cho rằng: “Budapest đã thể hiện quyết tâm và tự tin vào khả năng vượt qua khủng hoảng của họ. Đây có thể là tiền lệ quan trọng cho các nước khác, một tổ chức bên ngoài cần thiết phải linh hoạt hơn và hợp lý hơn khi muốn can thiệp vào các chính sách của một quốc gia”.

N. MINH (Theo WSJ, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết