10/08/2012 - 21:25

Quốc tế gấp rút tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syrie

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang xúc tiến chọn người thay thế Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) Kofi Annan để có thể tiếp tục trên con đường ngoại giao tìm kiếm giải pháp chính trị giải quyết cuộc xung đột đẫm máu tại Syrie. Cũng với mục đích trên, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã nhóm họp khẩn cấp tại Iran hôm 9-8.

Lộ diện người thay thế ông Kofi Annan

 

Hôm 9-8, nguồn tin từ giới ngoại giao cho biết, nhiều khả năng nhà ngoại giao kỳ cựu và là cựu chiến binh người Algérie Lakhdar Brahimi (ảnh) sẽ trở thành đặc phái viên chung của LHQ và AL thay thế ông Kofi Annan, giải quyết vấn đề Syrie.

Tuần trước, cựu Tổng Thư ký LHQ, đồng thời chủ nhân giải Nobel Hòa bình Kofi Annan đã tuyên bố từ chức vị trí đặc phái viên chung của LHQ và AL về tình hình Syrie với lý do không thể thực hiện nhiệm vụ khi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bế tắc vô thời hạn về cách giải quyết bất ổn ở Syrie.

Lakhdar Brahimi, cựu Ngoại trưởng Algérie, cũng là người đã có nhiều năm hòa giải các vấn đề quốc tế. Theo dự kiến, việc chỉ định ông Lakhdar Brahimi sẽ được chính thức thông báo vào tuần sau, tuy nhiên các nhà ngoại giao cho rằng sự kiện này cũng có khả năng thay đổi vào phút chót. Ông Lakhdar Brahimi, 78 tuổi, đã từng đảm nhiệm vai trò đặc phái viên của LHQ trong một loạt những vấn đề thử thách, như tình hình Iraq sau khi Mỹ tấn công và lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Saddam Hussein, hay như tình hình Afghanistan trước và sau chế độ cầm quyền của Taliban.

Tuy nhiên, Syrie lại là một trường hợp phức tạp hơn bởi một phần vì cộng đồng quốc tế đang bế tắc trong hành động giải quyết xung đột tại quốc gia này do những bất đồng giữa các nước thành viên trong HĐBA LHQ. Ông Annan và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng sự chia rẽ giữa các thành viên trong HĐBA là nguyên nhân chính khiến kế hoạch hòa bình 6 điểm do ông Annan đề xuất thất bại. Vì vậy, LHQ rất chú trọng việc xác định rõ vai trò của đặc phái viên sẽ được bổ nhiệm thay ông Annan, cũng như về phương thức hoạt động của LHQ tại Syrie trong thời gian tới, đặc biệt là sứ mệnh của Phái bộ giám sát viên LHQ tại Syrie (UNMIS) và việc có nên tiếp tục thực hiện kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Annan hay không.

Hội nghị quốc tế về Syrie tại Iran

Hàng trăm tay súng nổi dậy rời bỏ Aleppo

Ngày 9-8, quân chính phủ cho thấy sự thắng thế khi gần như đẩy lùi phe nổi dậy ra khỏi thành phố Aleppo. Diễn biến trên bắt đầu bằng một vài đơn vị của phe nổi dậy rút quân, hoảng loạn và mất phương hướng sau 2 đêm hứng chịu các trận pháo kích dữ dội từ phía quân đội chính phủ. Cho đến vào khoảng thời gian giữa buổi sáng cùng ngày, các cuộc trốn chạy mới thực sự biến thành một đợt rút quân trên qui mô lớn, với hàng trăm tay súng rút khỏi quận Salaheddine, thậm chí rất nhiều trong số họ khi đó cũng rời bỏ hẳn cả thành phố Aleppo. Với nhiều xe tăng án ngữ khắp nơi, nhưng quân chính phủ không tiếp cận mà dùng các máy bay chiến đấu và trực thăng quần thảo trên bầu trời.
Chỉ huy quân nổi dậy Quân đội Syrie Tự do (FSA) Wassel Ayub đã thừa nhận mất quyền kiểm soát Salaheddine.

Hội nghị quốc tế do Iran chủ trì bàn về vấn đề Syrie đã khai mạc hôm 9-8 với sự tham dự của 30 quốc gia, trong đó có Nga, Afghanistan, Pakistan và Iraq. Mục đích hội nghị là nhằm tăng cường các nỗ lực của khu vực Trung Đông và quốc tế nhằm giúp người dân Syrie tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài cũng như mở đường cho cuộc đối thoại dân tộc trong không khí hòa bình.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Ngoại trưởng Iran Ali Akabar Salehi kêu gọi tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc với sự tham gia của tất cả các bên liên quan giữa Chính phủ Syrie và các nhóm đối lập. Đồng thời ông cũng khuyến cáo, chỉ có đối thoại dân tộc mới có thể giải quyết khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Trong thông điệp gửi tới hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm kiếm đồng thuận về tình hình Syrie và đưa ra sáng kiến về một tiến trình chính trị mang lại dân chủ thực sự cho Syrie. Theo ông Ban Ki-moon, những quốc gia có ảnh hưởng cần phối hợp gây sức ép để các phe phái ở Syrie chấp nhận giải pháp chính trị có kiểm soát. Ông cũng hối thúc chính phủ Syrie thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm chấm dứt xung đột, đồng thời khẳng định mọi sự trì hoãn thực hiện kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Annan đều trở thành rào cản lớn nhất cho bất kỳ tiến trình chính trị hòa bình nào.

THANH BÌNH (Theo Reuters, FNA)

Chia sẻ bài viết