13/10/2009 - 09:09

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel rạn nứt nghiêm trọng

Hôm qua 12-10, Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ thông báo hủy cuộc tập trận quốc tế trên không chung với Mỹ, Italia, Hà Lan và một số nước thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm phản đối sự tham gia của Không lực Israel. Các nhà phân tích cho rằng động thái này của Ankara có thể làm cho mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel càng trở nên tồi tệ hơn.

Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc biểu tình của người Hồi giáo trên khắp thế giới phản đối Israel phong tỏa đền Al-Asqa ở Đông Jerusalem ngày 10-10. Ảnh: AP 

Cuộc tập trận mang tên Chiến dịch Đại bàng Anatolian, dự kiến diễn ra trong 11 ngày, là hoạt động thường niên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thành viên NATO. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các bên tham gia diễn tập loại Israel ra, sau khi được tin nước này cũng góp mặt theo lời mời của Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ đề nghị của Ankara và đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định không tham gia cuộc diễn tập không quân liên quốc gia này nhằm thể hiện sự tức giận của Ankara đối với cuộc tấn công đẫm máu của Israel vào Dải Gaza làm hơn 1.000 người Palestine thiệt mạng hồi tháng 12 năm ngoái.

Chiến dịch Đại bàng Anatolia bao gồm các cuộc diễn tập tấn công trên không nằm trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syrie, Iraq và Iran. Vì vậy, tuy chính quyền Tel Aviv không muốn làm to chuyện với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc hủy cuộc tập trận chung này khiến các quan chức an ninh chủ chốt Israel nổi giận bởi cuộc diễn tập dự kiến diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Iran tập trận Đại giáo đồ 4 với dàn tên lửa đủ sức vươn tới lãnh thổ Israel. Tuần trước, một quan chức của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran còn đe dọa rằng Tehran sẽ “thổi bay Israel”, nếu Mỹ hoặc Israel tấn công các cơ sở hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel từ khi nhà nước Do Thái Israel thành lập năm 1948. Đối với Tel Aviv, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Israel trong thế giới Hồi giáo. Trước khi có những hục hặc trong mối quan hệ song phương sau vụ Israel tấn công Gaza hồi cuối năm rồi, hai bên vẫn hợp tác quân sự chặt chẽ với nhau, bất chấp nhiều nước Trung Đông tẩy chay Israel. Các máy bay ném bom của Israel được cho là đã bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ khi thực hiện cuộc không kích các cơ sở tình nghi hạt nhân đang xây dựng của Syrie hồi năm 2007. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán giữa Israel với Syrie, và mùa hè vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cùng tiến hành cuộc tập trận chung trên biển.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định đột ngột hủy tập trận của Thổ Nhĩ Kỳ, một phần là do sức ép trong nước đòi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan phải xem xét lại quan hệ với Israel, để phản đối các hành động quân sự của Israel chống người Palestine trên Dải Gaza. Và đây không phải lần đầu Thổ Nhĩ Kỳ công khai bày tỏ sự không hài lòng với Israel. Thủ tướng Erdogan từng công khai chỉ trích cuộc chiến của Israel ở Gaza là “tàn bạo” và là “tội ác chống loài người”. Ông Erdogan cũng bỏ cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ hồi tháng 1-2009, sau khi tranh cãi với Tổng thống Israel Shimon Peres. Tháng trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hủy chuyến thăm Israel vì bị ngăn không cho vào Gaza.

N. MINH (Theo AP, The Times, ABC)

Chia sẻ bài viết