18/05/2020 - 19:44

Quan hệ Mỹ - Israel trước thách thức từ Trung Quốc 

Mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Trung Quốc và Israel có nguy cơ làm căng thẳng quan hệ đặc biệt Israel - Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đang xung đột với Bắc Kinh về sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (trái) họp báo cùng Thủ tướng Israel Netanyahu tại Jerusalem hôm 13-5. Ảnh: timesofisrael

Nhiều dự án tiềm ẩn mất an ninh   

Nhằm xoa dịu những lo ngại từ Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cho đã hoãn ký hợp đồng xây dựng nhà máy khử nước mặn với công ty Hutchison Water International thuộc tập đoàn CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc). Đây được xem là thắng lợi về mặt ngoại giao của Washington. Hồi tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phải tận dụng chuyến thăm ngắn ngủi tới Jerusalem để cảnh báo Israel về rủi ro của việc bắt tay làm ăn với Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc sau đó đã phản pháo và tố ông Pompeo đưa ra những cảnh báo an ninh mà “không đưa ra bằng chứng cụ thể”.

Hutchison Water International là một trong 2 công ty đã tiến đến giai đoạn cuối cùng của quá trình đấu thầu xây dựng Sorek B - nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt lớn nhất thế giới nằm ở phía Nam Israel. Bên thắng thầu sẽ nắm quyền vận hành nhà máy trong 25 năm. Dự án có tổng kinh phí 1,5 tỉ USD này sẽ khởi công xây dựng trong năm nay và khi hoàn thành vào năm 2023, dự kiến nó sẽ cung cấp khoảng 200 triệu m3 nước ngọt mỗi năm.

Trước đây, theo yêu cầu từ phía Mỹ, Israel đã từ chối ký kết các thỏa thuận với Trung Quốc về quân sự và cũng không cho phép tập đoàn viễn thông Huawei vận hành mạng 5G tại nước này. Tuy nhiên, Nhà nước Do Thái lại xem Bắc Kinh là đối tác kinh tế chiến lược, bởi Trung Quốc tích cực đầu tư vào ngành công nghệ cao và các dự án cơ sở hạ tầng tại đây. Năm 2018, Trung Quốc đầu tư xấp xỉ 325 triệu USD vào mảng công nghệ cao của Israel, một đồng minh thân cận của Mỹ.

Trung Quốc đang muốn trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Israel, xếp sau Mỹ. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu số lượng hàng hóa Israel trị giá hơn 4,6 tỉ USD, trong khi chiều ngược lại đạt trên 10,9 tỉ USD. Tại Israel, nhiều công ty Trung Quốc đảm trách việc mở rộng cảng biển tại Ashdod bên bờ Địa Trung Hải cũng như xây dựng các hệ thống vận tải quan trọng, bao gồm tuyến đường sắt nhẹ ở Tel Aviv và các đường hầm Carmel. Tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải của Trung Quốc thậm chí giành được hợp đồng độc quyền vận hành cảng container mới tại thành phố duyên hải Haifa trong vòng 25 năm (tính từ 2021). Năm 2015, Mỹ đã thua trong cuộc bỏ thầu xây dựng cảng Haifa. Ngoài ra, nếu hệ thống đường sắt từ cảng Eilat bên bờ Biển Đỏ đến Ashdod được Chính phủ Israel “bật đèn xanh”, một công ty Trung Quốc cũng sẽ xây dựng công trình này.

Mỹ lo ngại sự háo hức của Israel

Trong quan điểm đầu tư và ngoại thương của Trung Quốc, nước này nhận thấy Israel sẽ là “một điểm sáng”, bởi các công ty Israel rất giỏi trong việc sáng tạo, ứng dụng và bán công nghệ. Tel Aviv háo hức chào đón các khách hàng và nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng điều này cũng kéo theo những bất lợi, theo Nhật báo Phố Wall. Trong đó, có nguy cơ Trung Quốc sẽ khai thác công nghệ Israel theo những cách có thể gây nguy hiểm cho các lực lượng vũ trang Mỹ, đe dọa quan hệ Mỹ - Israel.

Trước chuyến công du nói trên của Ngoại trưởng Pompeo, truyền thông cho rằng giới chức xứ cờ hoa đã lên tiếng không tán thành vai trò của các công ty Trung Quốc tại cảng Haifa và tham gia xây dựng nhà máy khử muối Sorek B. Được biết, nhà máy này nằm sát căn cứ không quân Palmachim, nơi có quân Mỹ đồn trú và cũng không quá xa Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Nahal Sorek.

Alexander Kushner, người từng lãnh đạo Cơ quan quản lý nguồn nước Israel, cho rằng thời ông còn đương chức, các phái đoàn Trung Quốc đã tiếp cận nước này để học hỏi về công nghệ khử mặn nước biển. Trong khi đó, chính quyền Israel lại khá cởi mở tiếp nhận Trung Quốc. Đó cũng là lý do năm ngoái Mỹ yêu cầu Israel thành lập một ủy ban liên ngành để đánh giá vốn đầu tư nước ngoài, song cơ quan này lại thiếu quyền pháp lý đối với những dự án công nghệ cao. Hạn chế này được tạo ra để tránh làm “mích lòng” Trung Quốc, vì thế lại chọc giận giới chức Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết, đại sứ nước này tại Israel Đỗ Vĩ dường như qua đời vì nguyên nhân tự nhiên. Ông Đỗ, 58 tuổi, đột tử hôm 17-5.

HẠNH NGUYÊN (Theo Hill)

Chia sẻ bài viết