20/11/2010 - 21:49

"Phía cuối cầu vòng" là mảng màu tối

Phim truyền hình Việt Nam “Phía cuối cầu vồng”, dài 40 tập của đạo diễn Mai Hồng Phong, Trần Gia Media sản xuất được chuyển thể từ tiểu thuyết “Công ty” rất được độc giả yêu thích của nhà văn Phan Hồn Nhiên và với dàn diễn viên toàn “sao”.

Phim đang chiếu lúc 21 giờ từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên kênh VTV3.

Peter Yeo (Tiến Đoàn đóng) với một mẫu đàn ông khác xa nguyên bản văn học.  Ảnh: baomoi.vn 

Nội dung phim “Phía cuối cầu vồng” được quảng cáo là khai thác những góc khuất, đời sống thường ngày của giới văn phòng. Bối cảnh chính của phim là trụ sở Công ty truyền thông Big Sun Việt Nam. Tổng giám đốc Nam Phong là một chàng trai trẻ, đẹp và tài năng nhưng lại có nhiều mối quan hệ tình cảm với nữ nhân viên: Lim - một nhân viên thiết kế luôn mơ ước xây dựng cho mình một thương hiệu thời trang nổi tiếng nhưng hành xử theo cảm tính; Bảo Trang - một nhân viên thông minh, sắc sảo nhưng thủ đoạn, bất chấp tất cả để mong muốn tạo dựng một địa vị vững chắc. Phó Tổng giám đốc Peter Yeo, một doanh nhân người Úc gốc Ma Cau thâm độc, chuyên lợi dụng hãm hại, người khác.

Vẫn biết rằng phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học thì có sự sáng tạo nhưng cơ bản phải giữ được cái “chất” của tác phẩm. Thế nhưng các nhân vật trong “Phía cuối cầu vồng” khác hoàn toàn với nguyên bản văn học một cách khó hiểu. Nhân vật CD Nguyên trong truyện là một nhân vật cá tính, quyết đoán, bản lĩnh, quán xuyến chuyện của công ty rất tài tình và sống rất nội tâm thì Nam Phong trong phim lại hời hợt, ăn chơi và có lối sống ba phải. Xem phim, người ta có cảm giác nhân vật này không có tài năng, bản lĩnh mà chỉ là một tổng giám đốc bù nhìn, suốt ngày chỉ can dự vào mấy chuyện vụn vặt của nhân viên. Nhân vật Lim trong truyện là một cô gái mới ra trường, rất dễ thương, tài giỏi, cá tính, có đời sống nội tâm, sống trách nhiệm nhưng Lim trong “Phía cuối cầu vồng” là một gái “dở dở ương ương”, ai làm gì không hài lòng là lồng lộn, hét toáng lên, nói năng thô lỗ, hành động “hoang dã” (!). Nhưng có lẽ phản cảm nhất là nhân vật Peter Yeo: nếu như tác phẩm văn học xây dựng một hình tượng nhân vật từng trải, nham hiểm, mưu mô dưới vẻ ngoài lịch lãm - thì trong phim Peter suốt ngày tìm cách hạ bệ người này, chơi xỏ người khác. Peter nói chuyện với nữ đồng nghiệp rất mất lịch sự, thô lỗ, lại đánh đập, bạo lực với phụ nữ... (!)...

Phim lấy bối cảnh một công ty truyền thông đa quốc gia, được giới thiệu là “hàng đầu thế giới” mà ngày khai trương tổ chức sơ sài chỉ le ngoe vài người trong công ty và khách. Nhưng khi công ty thông báo tuyển dụng thì: “Cả thành phố lớn không còn tờ báo nào, ra đường ai ai cũng xôn xao”. Cậu bé bán báo rao: “Công ty Big Sun tuyển dụng” thế là hàng trăm người kháo nhau giành giật, rồi bàn tán chiếm mất hơn 5 phút phim. Buồn cười nhất là Nam Phong là Tổng giám đốc, nhưng cô nhân viên thử việc Lim giận dỗi nghỉ làm, Nam Phong lại tìm tận nhà năn nỉ. Anh ta làm đủ trò hề, thậm chí là đạp xe rong ngoài đường để mong cô quay lại làm, dù chưa hề biết cô này có khả năng gì (!) Rồi nhân viên thử việc có gì không vừa ý hay có ý tưởng mới thì xốc thẳng vào phòng tổng giám đốc sửng cồ, nạt nộ, thậm chí là chửi bới...

Lời thoại trong phim đầy hạt sạn. Chẳng hạn như khi Phó Tổng giám đốc Peter “nịnh” nhân viên thử việc Bảo Trang: “Em là một cô gái đẹp, là một nữ nhân viên quan trọng của Big Sun. Tôi phải lấy lòng em chứ!”. Sếp nam mời nữ nhân viên dùng bữa kiểu: “Cô ăn đi! Tôi biết cô đang rất đói. Thậm chí, tôi biết cô đã đói rất lâu rồi!”. Còn kiểu thoại: “Chào bạn, có chuyện gì không?” - “Không! Vì mình thấy bạn đẹp quá...” dường như tập phim nào cũng có...

Tham gia trong phim là dàn “sao”: Nam vương Tiến Đoàn, siêu mẫu Hoàng Anh, hoa hậu Dương Thùy Linh, MC Minh Hà, MC Thanh Vân... nhưng diễn xuất gượng gạo, không chút biểu cảm.

Một lần nữa, khán giả chỉ biết ngao ngán... lắc đầu!

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết