14/01/2020 - 08:14

Phe dân chủ tự tin trước phiên tòa luận tội 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (ảnh) cảnh báo đảng Cộng hòa sẽ phải “trả giá”, sau khi bày tỏ tin tưởng tiến trình điều tra luận tội “cung cấp đủ bằng chứng” loại Tổng thống Donald Trump khỏi Nhà Trắng.

 Ảnh: Getty Images

Tuyên bố được đưa ra trước thời điểm đảng Dân chủ nhóm họp vào hôm nay 14-1 để xác định khi nào hai điều khoản luận tội ông Trump được chuyển lên thượng viện cũng như danh sách nghị sĩ đóng vai trò công tố viên trình bày bằng chứng tại phiên tòa.

Ông Trump bị tố lạm dụng quyền lực bằng cách giữ lại 391 triệu USD viện trợ an ninh cho Ukraine nhằm buộc Kiev điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Ông còn bị cáo buộc cản trở quốc hội khi chỉ đạo giới chức chính quyền không hợp tác trong quá trình điều tra luận tội. Theo quy định, cần ít nhất 2/3 phiếu thuận của thượng viện để buộc tội tổng thống. Nhưng điều này gần như không thể xảy ra bởi cơ quan này hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Tuy điều khoản luận tội đã thông qua hồi tháng 12-2019, nhưng hai phe Cộng hòa và Dân chủ vẫn giằng co về việc phiên tòa diễn ra như thế nào. Bà Pelosi đến nay chưa gởi hồ sơ luận tội lên thượng viện do muốn đảm bảo phiên xử tổ chức theo các điều khoản mà đảng Dân chủ cho là công bằng. Ngoài tìm thêm thông tin mới, phe đa số tại hạ viện còn yêu cầu các trợ lý hàng đầu của tổng thống ra làm chứng. Theo giới quan sát, đảng Dân chủ tin điều này sẽ khiến một bộ phận cử tri quay lưng với ông Trump khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020 bắt đầu nóng lên.

Được biết, lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã yêu cầu lấy lời khai từ các nhân chứng: quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, Phó Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách an ninh quốc gia Michael Duffey và Robert Blair - cố vấn cao cấp của ông Mulvaney. Có tin Ủy ban Tình báo Hạ viện còn cân nhắc triệu tập cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Từng là một trong những nhân vật thân cận Tổng thống Trump, ông Bolton đã trực tiếp chứng kiến các sự vụ liên quan cuộc đối thoại giữa chủ nhân Nhà Trắng và Tổng thống Ukraine. Trước đó, ông Bolton từ chối ra điều trần trong cuộc điều tra luận tội của hạ viện. Nhưng tuần rồi, ông này bất ngờ cho biết sẵn sàng xuất hiện trước thượng viện nếu được triệu tập.

Giữa thời điểm mấu chốt, Tổng thống Trump tỏ ý sẽ dùng đặc quyền hành pháp để ngăn chặn những lời khai như vậy. Trước đó, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mitch McConnell tuyên bố đã hội đủ số phiếu của đảng Cộng hòa để bắt đầu phiên tòa mà không cần nghe thêm từ các nhân chứng. Ông McConnell cũng nói rằng thượng viện muốn sử dụng các quy tắc tương tự trong phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 1999. Theo McConnell, luận tội là tiến trình chính trị chứ không phải tư pháp và ông hy vọng phiên tòa chống lại Tổng thống Trump sẽ nhanh chóng kết thúc.

Đáp lại, bà Pelosi chỉ ra sự khác biệt giữa hai vị tổng thống, đó là ông Clinton cho phép các nhân chứng đứng ra cho lời khai trong khi Tổng thống Trump lại ngăn cản điều này. Mặt khác, bà chỉ trích hành động của ông McConnell, bao gồm tuyên bố bác bỏ các cáo buộc chống lại Tổng thống Trump mà không cần xét xử là điều “hết sức bất thường” và có dấu hiệu “bao che”. Bà Pelosi còn cảnh báo đảng Cộng hòa sẽ phải “trả giá chính trị” nếu ông McConnell tiếp tục ngăn chặn thủ tục tố tụng. Theo bà, Tổng thống Trump đã “vượt quá giới hạn” liên quan các hành vi trong vụ Ukraine và rằng chủ nhân Nhà Trắng “vi phạm hiến pháp theo cách không thể bỏ qua”. 

Theo cuộc thăm dò của ABC News /Ipsos, cuộc điều tra luận tội đang phản ánh sự chia rẽ đảng phái sâu sắc khi 81% người theo phe Cộng hòa cho rằng bà Pelosi đang chơi trò “chính trị đảng phái” trong khi đa số người Dân chủ tin Chủ tịch Hạ viện tuân thủ nghĩa vụ hiến pháp. Chia rẽ còn thể hiện qua vấn đề Iran khi 90% người Dân chủ không tán thành cách ông Trump hành động còn 87% người Cộng hòa ủng hộ lãnh đạo của họ. Nhưng nhìn chung, đa số người Mỹ không đồng tình cách Tổng thống Trump xử lý xung đột với Iran và 52% cho biết cuộc không kích sát hại tướng Iran hôm 3-1 khiến nước Mỹ kém an toàn hơn.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết