24/02/2020 - 19:39

Phe bảo thủ thắng lớn ở Iran 

Ngày 23-2, phe bảo thủ và cứng rắn ở Iran tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội nước này hồi tuần rồi, trong bối cảnh dân chúng thể hiện sự giận dữ đối với chính quyền cải cách và ôn hòa, kinh tế sụt giảm nghiêm trọng và những khuất tất trong tiến trình chọn lựa ứng viên.

Theo hãng thông tấn bán chính thức Mehr, hơn 220/290 thành viên quốc hội sẽ là những nhân vật theo đường lối bảo thủ và cứng rắn. Đáng nói, phe này giành toàn bộ 30 ghế tại khu vực bầu cử thủ đô Tehran.

Cử tri bỏ phiếu tại Tehran. Ảnh: Reuters

Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, trên 7.000 ứng viên tranh cử vào Quốc hội 290 ghế với nhiệm kỳ 4 năm.

Đáng chú ý, cuộc bầu cử quốc hội khóa 11 của Iran chỉ có hơn 24 triệu trên tổng số gần 58 triệu cử tri hợp lệ tham gia bỏ phiếu, chiếm 42,5% (tỷ lệ đi bầu năm 2016 đạt gần 62%). Đây là mức thấp nhất kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tỷ lệ đi bầu thấp đúng như dự báo bởi một số vấn đề. Trong đó, Hội đồng Giám hộ (cơ quan giám sát bầu cử quốc gia) chỉ cho phép khoảng 7.150 ứng viên tham gia tranh cử trong tổng số hơn 16.000 người đăng ký. Phần lớn những trường hợp bị loại bỏ là các ứng viên ủng hộ chủ trương cải cách hoặc theo đường lối ôn hòa được đánh giá “giàu triển vọng”. Ngoài ra, khoảng 1/3 số nghị sĩ đương nhiệm cũng không được phép tái tranh cử trong cuộc đua lần này.

Do vậy, Tổng thống Hassan Rouhani - nhân vật theo đường lối ôn hòa - và một số chính trị gia khác đã bày tỏ sự bất bình, cho rằng Hội đồng Giám hộ đã “cố tình loại bỏ có chủ đích” các ứng viên ủng hộ ông nhằm tạo thuận lợi và mở đường cho chiến thắng của phe bảo thủ. Trên thực tế, hội đồng này vốn được Lãnh tụ Tối cao-Đại giáo chủ Ali Khamenei hậu thuẫn.

Việc phe bảo thủ hồi sinh được cho sẽ gia tăng sức ép lên Tổng thống Rouhani và cũng đánh dấu bước thay đổi so với cách đây 4 năm. Cuộc bầu cử Iran năm 2016 ghi đậm dấu ấn của ông Rouhani khi lực lượng ủng hộ cải cách giành được 41% số ghế trong Quốc hội, so với 29% của phe bảo thủ và 28% của phái độc lập.

Với kết quả vừa được công bố, báo Kayhan theo đường lối bảo thủ ca ngợi đây là “chiến thắng dành cho những ứng viên chống Mỹ”. Báo này cho rằng người dân đã loại bỏ các nhà cải cách, ám chỉ những người ủng hộ ông Rouhani vốn đã bị suy giảm uy tín bởi việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, bên cạnh những khủng hoảng chính trị và kinh tế khác. Tổng thống Rouhani tuy đã làm đúng cam kết chấm dứt căng thẳng về vấn đề hạt nhân lâu nay giữa Tehran và các cường quốc thế giới, nhưng lại không thể tạo nên một thời đại thịnh vượng mới khi vấp phải các lệnh trừng phạt kinh tế từ Washington. Nền kinh tế Iran năm 2019 đã sụt giảm 9,5%, trong khi tỷ lệ lạm phát lên tới 35%.

Theo giới phân tích, vị thế áp đảo của phe bảo thủ tại Quốc hội sẽ khiến ông Rouhani sẽ gặp khó khăn trong việc phê chuẩn những dự luật quan trọng trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống của mình, bao gồm nỗ lực buộc các ngân hàng Iran tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính về chống khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại và hạt nhân của Tehran nhiều khả năng sẽ không thay đổi đáng kể, bởi lâu nay Đại giáo chủ Khamenei được cho vẫn là người nắm quyền lực tối cao ở Iran, là nhân vật có “tiếng nói cuối cùng” trong mọi vấn đề hệ trọng của quốc gia Trung Đông này.

Khi vị thế và quyền lực của Đại giáo chủ Khamenei càng được củng cố, Cộng hòa Hồi giáo có thể sẽ “khép kín” và “thu mình” hơn đối với các đối tác phương Tây vì từ trước đến nay, lực lượng chính trị này luôn bảo lưu lập trường phản đối các cuộc đàm phán với phương Tây, trái ngược với chủ trương của Tổng thống Rouhani.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, AP)

Chia sẻ bài viết