21/03/2021 - 05:52

Phát triển van tim nhân tạo lớn dần theo cơ thể bệnh nhi 

Khi một đứa trẻ được thay van tim, thiết bị sẽ không phát triển cùng cơ thể chúng, đồng nghĩa trẻ sẽ cần trải qua nhiều lần phẫu thuật để thay van mới, cho đến lúc trưởng thành. Tuy nhiên, loại van tim mới do các nhà khoa học Mỹ phát triển có thể giúp trẻ không phải mổ tim nhiều lần, vừa đau đớn vừa tốn kém.

Để làm được như vậy, nhóm chuyên gia tại Đại học Minnesota đã kết hợp các tế bào da cừu với một loại prôtêin gọi là fibrin, đưa vào máy phản ứng sinh học hình ống. Sau đó, họ thêm vào các prôtêin tăng trưởng tế bào, làm cho hỗn hợp phát triển thành một ống vật liệu sinh học. Tiếp theo, họ dùng một chất tẩy rửa để loại bỏ các tế bào cừu ra khỏi vật liệu, chỉ còn lại một cấu trúc hình ống bằng collagen. Bởi không còn chứa bất kỳ tế bào nào, cấu trúc này sẽ không bị hệ miễn dịch của vật chủ đào thải sau khi cấy ghép. Từ 3 ống collagen như vậy (mỗi ống có đường kính khoảng 16 mm), các chuyên gia ghép nối với nhau và tạo hình thành van tim thay thế (ảnh).

Khi thử cấy ghép vào động mạch phổi của 3 con cừu con, các tế bào tự thân của chúng di chuyển vào ống collagen, về cơ bản tạo thành vật liệu sinh học riêng của mỗi con cừu. Nhờ đó, thiết bị cấy ghép tăng trưởng kích thước theo cơ thể cừu, với đường kính phát triển từ 19 đến 25mm trong khoảng thời gian 52 tuần. Ngoài ra, chúng cũng không có dấu hiệu vôi hóa có thể ảnh hưởng xấu đến van tim thay thế, vì vậy hoạt động tốt hơn so với những bộ phận cấy ghép khác.

Hiện các nhà khoa học chuẩn bị cấy loại van tim mới trực tiếp vào tâm thất phải của một con cừu, để mô phỏng một trong những loại phẫu thuật tim phổ biến nhất, nếu thành công sẽ tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người. Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Robert Tranquillo, cho biết một khi van tim mới có thể áp dụng trên bệnh nhi, gia đình các em sẽ giảm đáng kể gánh nặng tâm lý cũng như tài chính, khi số lần phẫu thuật tim hở giảm từ ít nhất 5 lần xuống còn 1 lần duy nhất.

T.TRÚC (Theo New Atlas)

Chia sẻ bài viết